Sáng kiến kinh nghiệm là 'kênh' hiệu quả giúp GV đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua

Có nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhờ viết sáng kiến nhưng chất lượng dạy học có tăng hay không là điều rất đáng trăn trở.

Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 quy định việc xét danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở không bắt buộc phải có sáng kiến.

Theo đó, Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở như sau:

“Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

 Sáng kiến được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh: Cao Nguyên)

Sáng kiến được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh: Cao Nguyên)

Theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quy định của Đảng (không quá 20%).

Ví dụ, Trường Trung học phổ thông A có 120 giáo viên thì sẽ có tối đa 24 thầy cô giáo được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có thể xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Đáng nói, ngoài 24 giáo viên này thì nhiều thầy cô giáo khác cũng có thể được xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nếu có sáng kiến kinh nghiệm được cơ sở công nhận.

Theo ghi nhận của người viết, việc giáo viên được cơ sở công nhận sáng kiến là không hề khó. Chẳng hạn, tại đơn vị nơi người viết đang công tác, khoảng hơn 10 năm qua, người viết chưa thấy sáng kiến nào không đạt.

Bởi vì, sáng kiến thường được giáo viên và lãnh đạo trong trường (trung học phổ thông) chấm nên có chuyện các giám khảo cho điểm dễ dãi và sau đó đều được thông qua.

Vẫn có một số ít sáng kiến lúc đầu giám khảo chấm không đạt, nhưng sau đó giáo viên được cho viết lại theo góp ý của giám khảo, và cuối cùng vẫn đạt.

Hơn nữa, sáng kiến của giáo viên thường được tổ trưởng/tổ phó chuyên môn hoặc giáo viên trung học phổ thông hạng II (trong tổ) chấm nên việc du di là khó tránh khỏi.

Nếu giám khảo chấm đồng nghiệp của mình không đạt thì cũng khó ăn khó nói với nhau, kể cả xảy ra bất hòa. Chưa kể, vẫn có giám khảo không kiểm tra đạo văn hoặc tính khả thi của sáng kiến đã vội cho điểm, cho xong nhiệm vụ.

Số sáng kiến này nộp lên Sở Giáo dục và Đào tạo thì hầu hết đều được công nhận và giáo viên được Giám đốc ra quyết định tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (cấp tỉnh).

Cần nói thêm, ở địa phương nơi người viết đang công tác có hơn 200 trường trung học phổ thông, mỗi năm có hàng ngàn sáng kiến của giáo viên nên Sở Giáo dục và Đào tạo không có thời gian chấm lại, hầu như chỉ căn cứ vào kết quả đánh giá của hội đồng ở cấp trường rồi phê duyệt.

Vừa qua, người viết nhận được Quyết định Công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” năm học 2023 - 2024 của các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi người viết đang công tác.

Danh sách theo Quyết định này có gần 3.000 (ba nghìn) sáng kiến được cơ quan quản lí giáo dục công nhận. Nếu tính cả bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo), số sáng kiến được công nhận chắc chắn phải hơn con số này.

Đáng chú ý, người viết xem qua danh sách thì thấy một trường trung học phổ thông có hơn 40 sáng kiến được công nhận. Được biết, trường học này có khoảng hơn 120 giáo viên (gồm lãnh đạo), nhân viên.

Công bằng mà nói, không phải giáo viên nào cũng có khả năng viết sáng kiến, và trong số sáng kiến này, lãnh đạo các trường học và thầy cô giáo đã có nhiều giải pháp hay nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lí hoặc giảng dạy.

Tuy vậy, điều băn khoăn là, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhờ viết sáng kiến nhưng chất lượng dạy học có tăng hay không là điều rất đáng trăn trở.

Thời gian qua, việc giáo viên mua bán sáng kiến tràn lan trên mạng xã hội khiến những thầy cô giáo có lòng tự trọng với nghề nghiệp không khỏi bức xúc.

Người viết đã có hơn 10 năm làm giám khảo chấm sáng kiến cho giáo viên trong và ngoài tổ chuyên môn thì thấy rằng, không ít giáo viên viết sáng kiến vì nhiều mục đích khác nhau.

Thứ nhất, hiệu trưởng, hiệu phó viết sáng kiến, một phần để lấy thành tích cá nhân, tập thể, một phần để tỏ ra lãnh đạo cũng không hề thua kém cấp dưới là giáo viên, nhân viên.

Thứ hai, giáo viên lớn tuổi tham gia viết sáng kiến, vừa làm gương cho đồng nghiệp trẻ tuổi vừa thể hiện bản thân cũng bắt nhịp với những đổi mới của ngành giáo dục.

Thứ ba, giáo viên mới ra trường/trẻ tuổi viết sáng kiến để khẳng định năng lực chuyên môn, sự nhanh nhạy, sáng tạo trong giảng dạy hoặc chứng minh năng năng quản lí, giáo dục học sinh.

Thứ tư, nhiều giáo viên (gồm cả lãnh đạo), từ thầy cô giáo mới ra trường cho đến những người sắp về hưu cũng viết sáng kiến chỉ vì: "bệnh thành tích"; được nhận tiền thưởng (hiện tại giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở được 2.340.000 đồng); làm minh chứng để tăng lương trước thời hạn hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp,...

Ngoài ra, người viết đã từng được một giám khảo cho xem một sáng kiến "nhiều không": không mục lục; không lời mở đầu; không kết luận; không tài liệu tham khảo và kĩ thuật liên quan đến tin học rất yếu.

Điều đáng buồn, có không ít sáng kiến mặc dù được giám khảo chấm đạt, hội đồng cơ sở thông qua, giáo viên được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhưng vẫn nằm ngăn kéo.

Vậy nên, để sáng kiến được vận dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy và giáo dục học sinh, theo người viết, sáng kiến cần lưu ý hai nội dung chính như sau:

1) Tính thực tiễn: Giáo viên cần trình bày được những sự kiện đã diễn ra trong thực tiễn giảng dạy và giáo dục của bản thân.

Những kết luận được rút ra trong sáng kiến phải là sự khái quát hóa trong quá trình quản lí (nếu là lãnh đạo), giảng dạy/giáo dục học sinh và những hoạt động cụ thể đã thực hiện (tránh lý thuyết chung chung, lí thuyết suông).

2) Khả năng vận dụng và mở/nhân rộng của sáng kiến: Giáo viên cần làm rõ hiệu quả khi áp dụng sáng kiến (có minh chứng, kết quả thực nghiệm/đối chứng).

Rất cần những sáng kiến có chất lượng khi giáo viên giảng dạy/giáo dục học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng có bao nhiêu sáng kiến được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả là điều không khỏi gây băn khoăn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sang-kien-kinh-nghiem-la-kenh-hieu-qua-giup-gv-dat-danh-hieu-chien-si-thi-dua-post245552.gd
Zalo