Không nên cấm dạy thêm, học thêm

Giải trình một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ chủ trương không cấm việc dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những hành vi vi phạm đạo đức hoặc trái nguyên tắc chuyên môn của nhà giáo.

Ý kiến này đã và đang nhận được sự đồng tình của cử tri, nhất là ở những địa phương có dân số đông, tập trung nhiều khu công nghiệp, nhu cầu gửi con học thêm cao như Đồng Nai.

Thực tế, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu rất chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Giáo viên sau thời gian giảng dạy trên trường, mở thêm lớp dạy thêm vừa để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy, vừa kiếm thêm thu nhập chính đáng từ nghề nghiệp của mình. Trong khi đó, học sinh dù ở trình độ nào cũng có nhu cầu được củng cố, nâng cao kiến thức. Học sinh có học lực khá, giỏi tìm đến thầy cô để tiếp thu kiến thức nâng cao. Trong khi đó, học sinh có học lực trung bình muốn học thêm để cải thiện học lực.

Đặc biệt với những địa phương như Đồng Nai, số lượng trường học đủ khả năng dạy và học 2 buổi/ngày chưa nhiều nên nhu cầu được học thêm của học sinh khá lớn, nhất là ở cấp tiểu học. Hơn nữa, với những gia đình có cha mẹ làm công nhân không có thời gian đưa rước con, việc gửi con sau giờ học chính khóa về nhà cô giúp cha mẹ yên tâm làm việc, không lo con phải ở nhà một mình không người trông coi.

Cấm dạy thêm, học thêm dù đã có những quy định cụ thể nhưng trên thực tế là không hiệu quả, bởi có cầu ắt sẽ có cung. Hầu hết các địa phương, các cơ sở giáo dục trên cả nước đều không cấm được nhu cầu này và chủ yếu quản lý trên tinh thần nhắc nhở và chấn chỉnh. Tuy nhiên cũng vì kiểu “không quản được thì cấm” nên đã xuất hiện nhiều câu chuyện không hay về tình trạng dạy thêm, học thêm, nhất là làm xấu xí đi hình ảnh người thầy.

Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo nêu những việc nhà giáo không được làm, trong đó có “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”. Thực tế có xảy ra hiện tượng này, thậm chí khi học sinh không học thêm, thầy cô có biểu hiện gây khó dễ gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Đây là điều nên cấm vì nó vi phạm đạo đức nghề giáo. Nên cho phép giáo viên được dạy thêm nhưng hãy để học sinh lựa chọn thầy cô và bộ môn học thêm phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện gia đình. Tuyệt đối không ép buộc hay trù dập học sinh chỉ vì không đi học thêm ở lớp của mình.

Không cấm dạy thêm, học thêm là việc nên làm nhưng đi kèm với nó là những quy định đảm bảo hoạt động này diễn ra tự nguyện, đúng mục đích, tráng hiện tượng phản giáo dục gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/khong-nen-cam-day-them-hoc-them-17e75e7/
Zalo