Sáng 23/12: Tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng
Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (23/12), tỷ giá trung tâm giảm 9 đồng. Giá mua - bán tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng - giảm với biên độ phổ biến từ 10-30 đồng so với phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.315 đồng, giảm 9 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD và giá bán USD ở mức 25.450 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng - giảm với biên độ phổ biến từ 10-30 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 25.200 VND/USD (thấp hơn 20 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.270 VND/USD. Ở chiều bán ra, giá bán USD được tất cả các ngân hàng niêm yết ở mức 25.530 đồng/USD (thấp hơn 10 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 107,709 điểm, giảm 0,111 điểm so với thời điểm mở cửa.
Thị trường ngoại hối khởi đầu tuần mới với sự ổn định của đồng USD, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng trước được công bố với diễn biến chỉ tăng nhẹ. Thông tin này phần nào xoa dịu lo ngại về tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm tới. Trong khi đó, đồng yên Nhật lại dao động gần mức 156 yên đổi một đô la, làm gia tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể can thiệp để bảo vệ tỷ giá.
Tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện sau khi Quốc hội Mỹ thông qua luật chi tiêu vào sáng sớm thứ Bảy, giúp ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm và giai đoạn thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ sẽ khiến khối lượng giao dịch dự kiến giảm dần.
Trong tuần trước, Fed khiến thị trường bất ngờ khi chỉ dự báo tốc độ cắt giảm lãi suất ở mức vừa phải, khác với kỳ vọng trước đó. Động thái này đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ và giá trị đồng USD tăng vọt, đồng thời gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Dữ liệu công bố cuối tuần qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng vừa phải theo tháng. Mức tăng của lạm phát cơ bản - không bao gồm thực phẩm và năng lượng - đạt mức thấp nhất trong sáu tháng. Tuy nhiên, tính theo năm, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed.
Các nhà giao dịch hiện dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 44 điểm cơ bản vào năm tới và dự kiến, đợt nới lỏng đầu tiên của năm 2025 có thể sẽ bị lùi đến tháng 6 năm sau.
Đồng yên tiếp tục giảm giá, dao động quanh mức 156,40 yên đổi một USD, giảm 0,06%, sát ngưỡng thấp nhất trong 5 tháng. Sự suy yếu của đồng yên diễn ra trong bối cảnh BoJ duy trì lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng và Thống đốc BoJ Kazuo Ueda phát đi tín hiệu giảm khả năng tăng lãi suất trong tháng tới.
Đồng Yên đã trải qua một năm đầy biến động, với mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ được thiết lập vào tháng 4 và tháng 7, khiến Tokyo phải can thiệp để bình ổn thị trường. Mặc dù đã phục hồi trong một giai đoạn ngắn ngay sau đó, đồng yên hiện lại chịu áp lực từ đồng USD mạnh và chênh lệch lãi suất lớn với Mỹ. Đồng tiền này giảm hơn 10% so với đồng bạc xanh trong năm nay và có nguy cơ ghi nhận năm thứ tư liên tiếp mất giá.
Kyle Rodda, chuyên gia tại Capital.com, nhận định: "Khi thị trường bước vào giai đoạn thanh khoản thấp cuối năm, các nhà giao dịch có thể chịu rủi ro từ các động thái nhanh và mạnh gia tăng, có thể đẩy đồng yên lên mức buộc phải can thiệp".
"Dữ liệu lạm phát của Mỹ vào thứ Sáu sẽ giúp ích cho các nhà chức trách Nhật Bản vì về cơ bản, sự mất giá của đồng yên liên quan đến rủi ro gia tăng lạm phát và lãi suất tại Mỹ", chuyên gia này nhận định.
Ở những nơi khác, đồng euro đang ở mức 1,0440 USD, tăng 0,1%, gần mức thấp nhất trong hai năm mà nó chạm đến vào tháng 11. Tính từ đầu năm, đồng tiền này đã giảm 5,5%.
Bảng Anh tăng 0,1% lên mức 1,2583 USD.
Đô la Úc hiện giao dịch ở mức 0,6256 USD, tăng 0,08%.
Đô la New Zealand tăng 0,16% lên mức 0,5660 USD.