Sandbox đầu tiên của Việt Nam sắp đi vào hoạt động, mở đường cho ví điện tử và Fintech

Theo Nghị định 94, ba giải pháp được xem xét thí điểm trong giai đoạn đầu gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Từ ngày 1/7, Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng chính thức có hiệu lực. Với chính sách mới này, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành tài chính tại Việt Nam.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Tọa đàm “Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP” trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ và được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh rằng, trước những cơ hội và thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong đó, việc thiết lập khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện “Bộ tứ chiến lược”.

Cụ thể, các định hướng lớn bao gồm: tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (theo Nghị quyết 57); đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới (Nghị quyết 59); nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); cùng với đó là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), nhằm hướng tới mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng kỳ vọng Fintech và ngân hàng không đối đầu mà đồng hành cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau. Ảnh: SBV

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng kỳ vọng Fintech và ngân hàng không đối đầu mà đồng hành cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau. Ảnh: SBV

Theo Phó Thống đốc, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt giúp tăng tốc bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thời gian qua, toàn ngành đã chủ động triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đạt được những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế, từ hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng đến phát triển sản phẩm và dịch vụ.

Ông Phạm Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh: “Có lẽ đây là sandbox – cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – đầu tiên của Việt Nam”.

Theo Nghị định 94, ba giải pháp được xem xét thí điểm trong giai đoạn đầu gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Phó Thống đốc cho biết, trong quá trình triển khai Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật thêm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp đủ điều kiện tham gia cơ chế thử nghiệm.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị chuyên môn của NHNN cần làm rõ tinh thần của Nghị định, bao gồm các yêu cầu, thủ tục và khung thời gian cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tham gia.

Đồng thời, ông cũng kêu gọi sự phối hợp tích cực từ các Bộ, ngành để cùng NHNN triển khai hiệu quả Nghị định 94, đảm bảo hồ sơ của doanh nghiệp được xem xét nhanh chóng, qua đó hỗ trợ quá trình phát triển các dịch vụ tài chính tiện ích đến tay người dân.

Cũng tại sự kiện, Phó Thống đốc chia sẻ thông tin đáng chú ý: hiện nay, khoảng 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã sở hữu tài khoản ngân hàng hoặc tại các tổ chức được phép.

Đây được xem là điều kiện tiên quyết và tiền đề quan trọng để phát triển các dịch vụ tài chính, trong đó có tài chính toàn diện, đòi hỏi sự đồng hành của các doanh nghiệp Fintech.

“Fintech đóng vai trò rất lớn trong hoạt động ngân hàng. Fintech và ngân hàng không đối đầu mà đồng hành cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau. Hy vọng rằng, với Nghị định 94, các doanh nghiệp Fintech sẽ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là hướng tới tài chính toàn diện, bao trùm, giúp những người yếu thế có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý và chất lượng tốt”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng bày tỏ kỳ vọng.

Đối tác quốc tế ủng hộ và đồng hành

Tại Tọa đàm, ông Ron H. Slangen – Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam – nhận định hệ thống tài chính Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển đổi sâu sắc nhờ các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, open API, Blockchain và trí tuệ nhân tạo.

ADB đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ Nghị định 94, bởi đây được xem là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, thân thiện với khí hậu và tạo lập môi trường đổi mới cho các công nghệ tài chính.

Trong khi đó, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Thomas Gass, khẳng định Thụy Sĩ luôn là đối tác kiên định và đáng tin cậy của Việt Nam trong quá trình phát triển ngành tài chính trong nhiều năm qua. Với sáng kiến fintech lần này, Thụy Sĩ một lần nữa tái khẳng định và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác song phương.

“Mục tiêu chung của chúng tôi là giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống tài chính kiên cường, đổi mới và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Điều này là cần thiết không chỉ cho sự ổn định kinh tế mà còn để thúc đẩy cơ hội và sự thịnh vượng trong toàn xã hội, chứ không chỉ giới hạn ở các công ty lớn. Thụy Sĩ vẫn cam kết hỗ trợ hành trình này của Việt Nam và sẽ tiếp tục ủng hộ các thông lệ tốt nhất, thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào các mối quan hệ đối tác mang lại tác động lâu dài”, ông Thomas Gass khẳng định.

Nam Hải

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/sandbox-dau-tien-cua-viet-nam-sap-di-vao-hoat-dong-mo-duong-cho-vi-dien-tu-va-fintech-d40995.html
Zalo