Triển vọng đầu tư bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng
Từ ngày 1/7/2025, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức vận hành chính quyền hai cấp, hợp nhất không gian phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự. (Ảnh: HNV)
Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển đô thị của Việt Nam, đồng thời cũng góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh thành nơi đáng sống - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo tầm khu vực và thế giới.
Sáng 12/7, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bất động sản siêu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội".
Như khẳng định của nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, trên cơ sở nhận diện tiềm năng, xu hướng và cơ hội phát triển của thị trường bất động sản siêu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo mong muốn mang đến những phân tích và đánh giá tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản thành phố, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp tại trục đông bắc thành phố (địa bàn Bình Dương trước đây), dựa trên nhu cầu và khả năng sinh lời cũng như đề xuất những chiến lược đầu tư thông minh để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang đứng trước nhiều cơ hội trong chu kỳ phát triển mới.

Những dự án xanh, thông minh sẽ được lựa chọn đầu tư phổ biến trong quy mô mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: BTC)
Theo nhà báo Phạm Nguyễn Toan, không đơn thuần là một phép cộng địa lý, "" là biểu tượng của một tầm nhìn hội tụ, một nỗ lực cải cách mạnh mẽ và một khát vọng định hình nên cực tăng trưởng chiến lược. Với quy mô hơn 6.700km2, hơn 14 triệu dân, GRDP gần 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp 1/4 ngân sách quốc gia, siêu đô thị thành phố không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia, mà còn là trung tâm kết nối với mạng lưới các đô thị hiện đại toàn cầu.
Phân tích về không gian phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập, mở rộng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, sau sáp nhập, với quy mô mới, mở rộng, thành phố tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế và đang trên hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành siêu đô thị thu hút nhân tài, cộng đồng doanh nhân, cùng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển các xu hướng kinh tế mới.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: HNV)
So sánh với Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Thâm Quyến (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển và khắc phục các bài toán phát triển mà các đô thị trên đang gặp phải.
Nhận diện về cơ hội của thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập nói chung và khu vực đông bắc thành phố nói riêng (Bình Dương trước đây), Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, trục đông bắc thành phố đang đón nhận những tín hiệu tích cực và được đánh giá là tâm điểm thu hút đầu tư, nhất là phân khúc căn hộ, góp phần kiến tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại.
Nhờ thế mạnh "kiềng ba chân" gồm: Kinh tế năng động, hạ tầng phát triển đồng bộ và khả năng thu hút dân số mạnh mẽ, khu vực đông bắc thành phố luôn "đi trước một bước" trong cuộc đua đón sóng đầu tư mới. Đây không phải là bước phát triển ngẫu nhiên hay theo trào lưu, mà là kết quả của quá trình quy hoạch và đầu tư bài bản kéo dài suốt gần 3 thập kỷ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: HNV)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, khu vực đông bắc thành phố Hồ Chí Minh thừa hưởng tỷ lệ nhập cư thuần đứng top đầu cả nước. Đây cũng là yếu tố giúp thị trường địa ốc nơi đây giữ được nhịp phát triển ổn định. Theo thống kê, cứ 5 người sinh sống tại đây thì có 1 người là dân nhập cư mới, chủ yếu đến từ các địa phương khác để làm việc tại các khu công nghiệp lớn. Nhờ đó, nhu cầu nhà ở tại đây trở thành nhu cầu thực và ổn định lâu dài.
Một lý do quan trọng cũng giúp bất động sản khu vực đông bắc thành phố giữ vững sức hút là nhờ vào tư duy phát triển hạ tầng đi trước thời đại. Nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai, gồm quốc lộ 13, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; dự án Vành đai 4; dự kiến triển khai tuyến đường sắt đô thị trên cao số 2 nối Thủ Dầu Một qua Quốc lộ 13 đến Thành phố Hồ Chí Minh giao với metro số 3B.
Đáng chú ý, việc chính thức sáp nhập Bình Dương từ ngày 1/7 đã mở ra dư địa phát triển, tạo động lực đưa Thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành một siêu đô thị mang tầm vóc châu Á. So với các địa phương lân cận, kết nối giữa trung tâm và đông bắc Thành phố hiện khá thuận tiện nhờ một loạt tuyến đường huyết mạch quốc lộ 13, quốc lộ 1K, hay các con đường vành đai. Cũng vì khoảng cách đi lại gần nên dự báo sẽ đổ bộ lượng lớn dân cư mua nhà ở đây, đi làm tại trung tâm Thành phố.
Hơn nữa, niềm tin vào đà tăng giá bất động sản đông bắc thành phố còn dựa trên loạt yếu tố rõ ràng như: Vị trí giáp ranh trung tâm, mạng lưới giao thông thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật liên tục được đầu tư đồng bộ, các dự án có pháp lý minh bạch và đặc biệt là khả năng khai thác sinh lời từ cho thuê hoặc đáp ứng nhu cầu ở thực.
Đồng tình với phân tích của các chuyên gia, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Big Four, Giám đốc dự án La Pura củng cố thêm điểm sáng về đầu tư từ Bình Dương cũ, khu vực đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh mới. Theo ông Tuấn, sự sáp nhập góp phần mở rộng quy mô và nâng tầm vị thế đô thị, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính lớn thì cầu tăng và cũng tương đương đó là sự gia tăng nguồn cung.
Dịp này, Tiến sĩ Đính khuyến nghị, các khách hàng cần lưu ý khi đầu tư: chọn các dự án có tính pháp lý minh bạch; chủ đầu tư uy tín; dự án được quy hoạch đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh, thông minh và đẩy đủ tiện ích, đặc biệt là đầu tư bài bản hệ sinh thái cảnh quan; kết nối hạ tầng giao thông, thuận lợi trong di chuyển đường quốc lộ, vành đai, metro…; mức giá phù hợp, có khả năng tăng giá cao và có thể cho thuê với lợi suất tốt; gần các trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ…
Ghi nhận của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam chỉ rõ, làn sóng "nam tiến" của các nhà đầu tư phía bắc vào những dự án có nhu cầu ở thực tại khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2025 là tín hiệu rõ ràng về sự dịch chuyển dòng tiền chiến lược.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: HNV)
Chia sẻ với Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, quy mô Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng đã mở ra nhiều dư địa phát triển và tự nhiên cũng gia tăng nguồn cung-cầu về bất động sản. Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất, cơ hội nhiều cũng đi kèm với thách thức, do đó, đòi hỏi thành phố phải đáp ứng được 3 tiêu chí: số-xanh-an toàn trong quản lý và phát triển, thực sự trở thành nơi đáng sống, là trung tâm đầu tàu kinh tế, tài chính…

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam. (Ảnh: HNV)
Trao đổi với Báo Nhân Dân, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề quy hoạch đô thị cần được chú trọng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững. Quy mô mở rộng, sự phát triển sôi động chắc chắn diễn ra khi có nhiều cơ hội do mở rộng quy mô. Điều quan trọng là sự thích nghi với mô hình quản lý hai cấp tận dụng sự thuận tiện về thủ tục khi được rút gọn và linh hoạt liên quan tới không gian, hạ tầng.
“Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng có thêm không gian biển, hạ tầng biển, cảng biển cùng các ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng lớn- đó là thế mạnh chắc chắn Thành phố Hồ Chí Minh sau sát nhập sẽ tận dụng được"- Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng nhìn nhận.