Quảng Ninh 'biến' công nghiệp thành đòn bẩy tăng trưởng
Với mục tiêu 'Bứt phát trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới', năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 14%, tạo nền tảng duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ mới (2025-2030).
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Ngô Quang Hưng cho hay: tỉnh đã lựa chọn công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm nay.

Nhiều dự án đầu tư FDI áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ sạch, ít ảnh hưởng đến sinh thái đã được đầu tư mới tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Trong 6 tháng đầu năm 2025, công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 23,81%, cao hơn 0,76% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Quảng Ninh.
Tín hiệu vui khi ngay trong đầu tháng 7 này, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển xanh THDV có cuộc làm việc với tỉnh, đề xuất đầu tư 5 tỷ USD xây dựng Tổ hợp kinh tế tuần hoàn - năng lượng xanh GH2 tại Quảng Ninh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư dự án với 3 cấu phần gồm: Tổ hợp năng lượng xanh GH2 có quy mô 713 ha, bao gồm 5 module GH2, 24 nhà máy sản xuất nội địa; trung tâm nuôi bò thịt Angus quy mô 65 ha, bao gồm hệ thống trang trại, nhà máy sơ chế sinh khối thu mua của nông dân, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi bò và nhà máy chế biến phân hữu cơ. Chất thải trong chăn nuôi sẽ phục vụ công nghiệp chế tạo điện của tổ hợp GH2…
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Quảng Ninh đã tăng 15,07% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghiệp với chỉ số sản xuất tăng 29,87% so với cùng kỳ, đóng góp đáng kể vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế tỉnh.
Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng ấn tượng: sản xuất xe có động cơ tăng 262,04%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 117,96%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 59,58%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 80,09%; sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 37,74%; sản xuất thiết bị điện tăng 26,38%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 13,95%; dệt tăng 13,63%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2024, đáng chú ý là tấm sàn nhựa PVC tăng 604,2%, loa, tai nghe tăng 69,1%, và ti vi tăng 48,7%.
Ngành khai khoáng tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng với chỉ số sản xuất tăng 5,18% so với cùng kỳ. Sản lượng than sạch sản xuất ước đạt 23,05 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí cũng có đóng góp đáng kể với chỉ số sản xuất tăng 4,16% và sản lượng điện sản xuất đạt 20,7 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.
Trước những thách thức từ tình hình kinh tế thế giới, nhất là những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khiến một số khách hàng thông báo hoãn hoặc hủy đơn đặt hàng. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo nắm bắt thông tin và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, đất đai và cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành than và điện vượt kế hoạch đề ra.
Tỉnh quyết liệt giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đất đai để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng trọng điểm như nhà máy điện khí LNG, các dự án điện gió và điện năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, Quảng Ninh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và phát triển hệ thống đường sắt. Việc khánh thành Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng hồi cuối tháng 3 là một minh chứng rõ nét cho định hướng lấy công nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế của địa phương này.
Quảng Ninh đang nỗ lực tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư minh bạch, quyết liệt trong cải cách; thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật, đáp ứng điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quảng Ninh chủ động thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định rõ tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay vì quản lý, hỗ trợ như trước đây.
Quảng Ninh đang cho thấy sự chủ động và linh hoạt trong điều hành kinh tế, biến công nghiệp trở thành trụ cột vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp là kết quả của những giải pháp tích cực và hiệu quả mà tỉnh đã và đang triển khai.