Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ - hướng đi bền vững

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ góp phần tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm có chứa chất hóa học như: thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học, chất kích thích trong chăn nuôi, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng… Khi canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học sẽ không gây hại cho môi trường và các loại sinh vật có lợi, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Nhận thấy lợi ích khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra cơ hội lớn cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nâng cao giá trị sau thu hoạch; đồng thời còn cung cấp được các loại nông sản cho thị trường cao cấp trong nước và phục vụ thị trường xuất khẩu, trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án có mục tiêu là liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và trên thế giới.

Nhờ sản xuất lúa hữu cơ mà Tổ hợp tác sản xuất lúa ST25 Đông Đầy, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) giảm chi phí đầu tư 7 triệu đồng/ha/vụ lúa, góp phần tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Nhờ sản xuất lúa hữu cơ mà Tổ hợp tác sản xuất lúa ST25 Đông Đầy, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) giảm chi phí đầu tư 7 triệu đồng/ha/vụ lúa, góp phần tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Phạm Văn Đầy - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa ST25 Đông Đầy xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chia sẻ: "Nông dân chúng tôi đã liên kết sản xuất lúa ST24, ST25 trong nhiều năm qua. Tổ hợp tác có tổng diện tích 20ha. Ngay từ khi thành lập, tổ hợp tác đã bắt tay vào sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và dần chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Đây là tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Canh tác lúa hữu cơ sẽ giúp cho nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Chi phí đầu tư cho 1 vụ lúa ước 28 triệu đồng/ha, còn canh tác theo truyền thống (sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật), chi phí 35 triệu đồng/ha. Năng suất lúa hữu cơ bình quân ước đạt 6,5 - 8 tấn/ha, giá lúa được công ty thu mua cao hơn so với bên ngoài là 1.000 đồng/kg. Trong vụ lúa Hè - Thu, năm 2024, cánh đồng lúa của tổ hợp tác vừa mới thu hoạch xong, giống lúa ST25, năng suất lúa đạt 6,5 tấn/ha, giá lúa công ty hợp đồng bao tiêu 11.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha".

“Kể từ năm 2019 đến nay, vườn bưởi có diện tích 7.000m2 của tôi đã được Tập đoàn Quế Lâm lựa chọn làm điểm hỗ trợ phân hữu cơ và thuốc sinh học để chuyển hướng canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ. Năm 2022, tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, vườn bưởi của gia đình tôi phát triển rất tốt, bưởi đạt loại nhất chiếm hơn 90%. Trái bưởi đạt tiêu chuẩn đưa vào thị trường cao cấp và cả các chuỗi siêu thị lớn là nhờ Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu, phân phối ra thị trường. Sản lượng bưởi thu hoạch hằng năm ước hơn 6 tấn, giá bán từ 38.000 - 42.000 đồng/kg (tùy thời điểm và công ty bao tiêu), trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/vụ/năm”, ông Nguyễn Hữu Chính, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết.

Để phát triển, nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức tập huấn cho 100% đối tượng tham gia vào canh tác mô hình trong đề án; triển khai hỗ trợ 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng 28 điểm mô hình hữu cơ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tư vấn tiêu chuẩn hữu cơ cho 14 mô hình; 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ sẽ được quảng bá, bao tiêu đầu ra…

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các nội dung của đề án trong phạm vi quản lý của địa phương. Phối hợp với Ban Quản lý Đề án trong công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất sản phẩm hữu cơ. Cử cán bộ cùng tham gia kiểm tra, giám sát, quản lý mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến cho người tham gia sản xuất nắm rõ chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Vận động, khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm đầu vào nguồn gốc hữu cơ, sinh học để áp dụng vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202409/san-xuat-san-pham-nong-nghiep-huu-co-huong-i-ben-vung-7cc6049/
Zalo