Tôm, lúa và cuộc đua tăng giá

Từ giữa tháng 8, giá tôm bất ngờ quay đầu tăng và từ đó đến nay, giá tôm liên tiếp có nhiều đợt thiết lập nên mặt bằng giá mới theo hướng 'giá sau cao hơn giá trước'. Cũng từ tháng 8, dù tình hình mưa bão có xu hướng tăng dần lên, nhưng giá lúa Hè - Thu vẫn luôn giữ ở mức cao, thậm chí có thời điểm tăng rất cao, ngoài sự kỳ vọng của nông dân. Cuộc đua tăng giá của lúa và tôm vẫn chưa dừng lại khi dư địa tăng giá từ nay đến cuối năm của cả 2 mặt hàng chủ lực trên vẫn còn khá nhiều.

Theo lịch mùa vụ, thường từ tháng 8 trở đi, vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào cao điểm thu hoạch và kéo dài cho đến tận tháng 10. Giai đoạn này, giá tôm thường không cao, thậm chí sụt giảm mạnh, do nguồn cung dồi dào trong khi công suất của các nhà máy thì có hạn. Tuy nhiên, năm nay thì khác, khi từ giữa tháng 8, giá tôm đã bất ngờ bật tăng và duy trì đà tăng giá ngày càng mạnh cho đến những ngày gần cuối tháng 9 này. Dù các đơn hàng xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm được đánh giá là khá dồi dào, nhưng theo các doanh nghiệp, việc giá tôm bất ngờ tăng mạnh trở lại chủ yếu là do vụ nuôi năm nay gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tôm thu hoạch sụt giảm mạnh khi vào cao điểm. Với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ lo thiếu tôm cỡ lớn cho các hợp đồng trong năm mà còn đắn đo trước khi đặt bút ký các hợp đồng tôm cỡ lớn cho những tháng đầu năm 2025.

Dù có đôi chút muộn màng, nhưng với việc tăng giá tôm mạnh trở lại từ trung tuần tháng 8 cũng giúp thị trường tôm trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Dù có đôi chút muộn màng, nhưng với việc tăng giá tôm mạnh trở lại từ trung tuần tháng 8 cũng giúp thị trường tôm trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Bên cạnh khó khăn do giá tôm giảm mạnh kéo dài khiến nhiều hộ phải ngưng nuôi thì những hộ có điều kiện thả nuôi tiếp lại gặp phải khó khăn khác, đó chính là thời tiết và dịch bệnh, trong đó, bệnh phân trắng, chậm lớn do EHP được đánh giá như là một “sát thủ thầm lặng” đối với tôm nuôi hiện nay. Tình hình trên khiến tôm phát triển không như ý và thiệt hại dần nên phải thu hoạch sớm. Thu sớm thì sản lượng giảm và nhất là thiếu hụt tôm cỡ lớn. Thực tế cho thấy, từ cuối tháng 6 kéo dài đến gần hết tháng 7, số diện tích thu hoạch sớm ở ĐBSCL là khá nhiều với đa phần là tôm cỡ nhỏ và cỡ trung, nên giá tôm thời điểm này cũng rất rẻ, nên có hộ dù thu hoạch có sản lượng nhưng cũng không có lời, thậm chí là thua lỗ. Diễn biến trên đã dẫn đến hệ quả là tình trạng thiếu tôm nguyên liệu xuất hiện khá sớm so với mọi năm và nguy cơ thiếu hụt được dự báo sẽ càng trầm trọng hơn trong các tháng cuối năm.

Cung ít, cầu nhiều khiến giá tôm trong hơn 1 tháng trở lại đây liên tục tăng mạnh. Ban đầu, chỉ có giá tôm cỡ lớn là tăng mạnh nhất, nhưng càng về cuối tháng 9 này, cả tôm cỡ trung lẫn cỡ nhỏ cũng bắt đầu tăng nhanh và tăng mạnh khi cả nước hầu như chỉ còn vùng nuôi ở ĐBSCL là còn tôm để cung cho thị trường xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Nếu việc thả nuôi được tăng tốc ở thời điểm hiện tại thì chí ít cũng gần cuối tháng 12 mới có tôm để thu hoạch, còn muốn có tôm cỡ lớn thì phải đợi đến gần hết tháng 1 của năm 2025. Đây cũng chính là một trong những cơ sở quan trọng để các dự báo về giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm từ nay đến cuối năm.

Giá lúa tăng mạnh, giúp nông dân có lợi nhuận cao, kim ngạch xuất khẩu gạo nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch. Ảnh: TÍCH CHU

Giá lúa tăng mạnh, giúp nông dân có lợi nhuận cao, kim ngạch xuất khẩu gạo nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch. Ảnh: TÍCH CHU

Tương tự như con tôm, giá lúa ở vụ Hè - Thu thường không cao, do chất lượng sụt giảm và chi phí cho việc phơi sấy khá nhiều. Tuy nhiên, ở vụ lúa Hè - Thu này, dù mưa bão vẫn diễn ra dồn dập nhưng giá lúa chẳng những không giảm mà còn có xu hướng tăng thêm, do nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Đặc biệt, các giống lúa đặc sản như: ST24, ST25 hay các giống lúa thơm: OM 18, OM 5451… luôn trong tình trạng thiếu hàng, giá tăng mạnh. Đã có thời điểm giá lúa ST25 được thu mua tại ruộng lên đến 11.050 đồng/kg, còn OM 18 luôn giữ ở mức trên 8.000 đồng/kg lúa tươi. Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, mặc dù sản lượng lúa ở vụ Hè - Thu này không thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước, nhưng do nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước tăng mạnh, nhất là Philippines và Indonesia, nên giá lúa gần như chỉ có tăng, chứ ít khi giảm.

Các động thái gọi thầu mới đây từ Philippines và Indonesia với số lượng khá lớn cho thấy, nhu cầu gạo thế giới từ nay đến cuối năm vẫn rất cao, dư địa cho việc tăng giá lúa từ nay đến cuối năm là không nhỏ. Cũng có ý kiến lo ngại giá lúa gạo sẽ không duy trì được ở mức cao khi Ấn Độ mở đường cho việc xuất khẩu gạo Basmati bằng việc bãi bỏ mức giá trần. Tuy nhiên, cho dù Ấn Độ có đẩy mạnh xuất khẩu gạo Basmati nhiều cũng không ảnh hưởng đến gạo xuất khẩu trong nước bởi Basmati không cùng phân khúc thị trường với phần lớn gạo xuất khẩu dưới dạng 5% hay 25% tấm của Việt Nam. Không những thế, tình hình thiên tai trong nước cũng như trên thế giới vừa qua cũng làm cho nguồn cung giảm đi phần nào, trong khi nhu cầu thì lại tăng thêm. Như vậy, việc giá lúa tiếp tục duy trì ở mức cao từ nay đến cuối năm là gần như chắc chắn và người trồng lúa sẽ còn tận hưởng niềm vui lớn hơn nếu sản xuất trúng mùa.

Lúa gạo và con tôm nước lợ cũng chính là 2 mặt hàng chủ lực của các tỉnh khu vực ĐBSCL vốn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Việc giá cả 2 mặt hàng trên tăng mạnh không chỉ là tín hiệu vui cho nhà nông mà còn góp phần giúp ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sớm đạt tốc độ tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202409/tom-lua-va-cuoc-ua-tang-gia-3802aab/
Zalo