Sản xuất nhuyễn thể, rong biển mang lại giá trị kinh tế lớn

Nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, hồi sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam.

Nuôi trồng, sản xuất nhuyễn thể, rong biển mang lại giá trị kinh tế lớn. Ảnh ST

Nuôi trồng, sản xuất nhuyễn thể, rong biển mang lại giá trị kinh tế lớn. Ảnh ST

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), năm 2024, diễn tích nuôi nhuyễn thể là 57.000ha (tăng 5,5% so với năm 2022), sản lượng 420.000 tấn; diện tích trồng rong biển 16.500ha, sản lượng 155.000 tấn.

Việt Nam cũng đã thành công trong sản xuất giống nhân tạo một số loài nhuyễn thể quan trọng như: ngao, nghêu, hàu, bào ngư, sò huyết, điệp quạt, trai ngọc, tu hài, ốc nhảy, vẹm xanh. Hiện cả nước có 635 cơ sở sản xuất, ương dưỡng nhuyễn thể. Tổng sản lượng giống nhuyễn thể sản xuất đạt hơn 190 tỷ con.

Năm 2024, Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu nghêu, ngao hơn 200 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó 10 tỉnh, thành có sản lượng xuất khẩu nhiều nhất, gồm: Thanh Hóa, Bến Tre, Nam Định, Bình Thuận, Thái Bình, Hải Phòng… Hiện có 36 công ty có sản phẩm nghêu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hữu - Phó Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thông tin, Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể sang nhiều thị trường trên thế giới. Các đối tượng xuất khẩu chủ yếu là ngao, nghêu, hàu, sò, vẹm.

Theo đánh giá, diện tích có tiềm năng cho trồng rong ở Việt Nam vào khoảng 900.000ha (tương đương với sản lượng 600.000-700.000 tấn khô/năm) nhưng việc trồng rong ở Việt Nam vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ; nhiều năm qua, diện tích trồng rong không có đột phá. Diện tích trồng rong giai đoạn 2005-2024 chỉ tăng từ 8.265ha lên 16.500ha. Sản lượng thu hoạch năm 2024 khoảng 155.000 tấn tươi.

Thống kê ở Việt Nam đã ghi nhận được 827 loài rong biển thuộc 4 ngành là rong lam 88 loài; rong đỏ 412 loài; rong nâu 147 loài và rong lục 180 loài.

Năm 2024, Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu nghêu/ngao hơn 200 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: N.Lộc

Năm 2024, Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu nghêu/ngao hơn 200 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: N.Lộc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho ngư dân ven biển nói chung, nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, hồi sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam.

Theo đó, "đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh hiện nay" - ông Tiến cho biết.

Chính vì vậy, thời gian tới, Cục Thủy sản ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, cần kết nối các đơn vị cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...

Các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chú trọng đến khoa học công nghệ để giúp cho việc nuôi trồng, sản xuất nhuyễn thể, rong biển bắt kịp nhu cầu thực tiễn; doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cập nhật kiến thức quản lý, thông tin thị trường; địa phương triển khai các quy hoạch vùng, tỉnh liên quan đến thủy sản...

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/san-xuat-nhuyen-the-rong-bien-mang-lai-gia-tri-kinh-te-lon-37436.html
Zalo