Sản xuất lâm nghiệp: Điểm sáng thị trường gỗ chế biến

Năm nay, trong bối cảnh lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, nhất là hoạt động chế biến gỗ lại là điểm sáng khi có những tín hiệu tích cực. Nắm bắt thời cơ này, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Đầu ra thuận lợi

Vượt qua những khó khăn trong năm 2023, từ đầu năm đến nay, thị trường gỗ chế biến có nhiều tín hiệu tích cực. Đầu ra cho sản phẩm thuận lợi là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động trồng, chế biến gỗ của người dân cũng như DN. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết tháng 8, sản lượng gỗ khai thác toàn tỉnh là hơn 900 nghìn m3, đạt 85,8% kế hoạch. Giá gỗ nguyên liệu đang cao hơn từ 100-150 nghìn đồng/m3 so với cùng kỳ năm 2023, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.

 Công ty TNHH Chế biến lâm sản Hùng Mạnh ở Cụm công nghiệp Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Công ty TNHH Chế biến lâm sản Hùng Mạnh ở Cụm công nghiệp Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Cùng đó, năm nay, các DN ngành chế biến gỗ liên tục đón nhận tín hiệu tích cực với số lượng đơn hàng lớn, giá bán tăng khi sức mua của thị trường phục hồi trở lại. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Minh Khôi Bắc Giang ở xã Nam Dương (Lục Ngạn), mỗi tháng bình quân xuất bán từ 3 đến 4 nghìn tấn sản phẩm gỗ băm dăm cho các mối hàng ở Quảng Ninh để xuất khẩu. Theo đại diện Công ty, khác với năm ngoái, năm nay, các đơn hàng nhiều hơn nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó, không bị tồn đọng. Thậm chí, nếu đủ nguyên liệu, Công ty có thể hoạt động hết công suất thì sản lượng còn cao hơn nữa (hiện sản lượng của DN tăng gần gấp đôi so với năm 2023).

Công ty TNHH Chế biến lâm sản Hùng Mạnh ở Cụm công nghiệp Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) cũng nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu các loại ván ép phủ phim. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty, sản phẩm không chỉ xuất khẩu mà thị trường trong nước tiêu thụ rất mạnh, bình quân mỗi tháng DN bán được từ 15 đến 20 container; ngoài ra, một lượng lớn hàng còn được xuất khẩu sang các nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines... Đơn hàng nhiều, giá bán tăng là cơ hội để Công ty nâng công suất chế biến, chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín, tạo niềm tin nhằm giữ chân khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1 nghìn cơ sở chế biến lâm sản. Nguyên liệu gỗ đưa vào sản xuất là gỗ rừng trồng và một số ít gỗ nhập khẩu với sản phẩm chủ yếu gồm ván bóc, ván dán, cốp pha, băm dăm, than hoa. Ngoài phục vụ nhu cầu xây dựng và đồ gia dụng trong nước, một số DN đã xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chế biến từ gỗ là ván ép/ván dán ra nước ngoài.

Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện với Liên minh châu Âu (EU) về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Đây là cơ hội lớn cho DN chế biến gỗ trong nước nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý. Hiện có 170 quốc gia, vùng lãnh thổ đặt hàng đồ gỗ chế biến của Việt Nam, trong đó các thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và khối EU… đều phục hồi trở lại.

Nắm bắt cơ hội

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu gỗ 8 tháng năm nay của tỉnh đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, mục tiêu tỉnh đề ra đến hết năm đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng (bằng 125% so với năm 2023). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến hàng chục nghìn ha rừng trồng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Dự báo những tháng cuối năm và năm tới, thị trường gỗ xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn do nguồn cung gỗ nguyên liệu chế biến khan hiếm, có thể đẩy giá đầu vào tăng thêm.

 Đầu ra thuận lợi nên cơ sở chế biến gỗ băm dăm Hùng Mười tại xã Biên Sơn (Lục Ngạn) sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Đầu ra thuận lợi nên cơ sở chế biến gỗ băm dăm Hùng Mười tại xã Biên Sơn (Lục Ngạn) sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, ngành gỗ vẫn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như giá cước vận tải tăng cao. Đồng thời, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, tính an toàn, thân thiện với môi trường, nguồn gốc sản phẩm... tạo rào cản, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu gỗ”.

Giá trị xuất khẩu gỗ 8 tháng năm nay của tỉnh đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, mục tiêu đề ra đến hết năm đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng (bằng 125% so với năm 2023).

Qua đó đòi hỏi mỗi DN cần thường xuyên đổi mới sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường, chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nhất là các sản phẩm từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững FSC. Việc hoàn thuế đối với các DN sản xuất mặt hàng gỗ dăm, gỗ dán còn gặp nhiều khó khăn do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng vẫn được ngành thuế áp dụng…

Để đồng hành cùng người dân và DN trong sản xuất, chế biến lâm sản, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chung tay vào cuộc triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá hình ảnh các DN xuất khẩu có uy tín trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương hỗ trợ DN xúc tiến thương mại theo các hình thức truyền thống, trực tiếp gắn với trực tuyến, online. Qua đó, nắm bắt cơ hội, tận dụng hiệu quả từ các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các DN sản xuất, chế biến trong việc chuyển đổi công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường và có giá cạnh tranh.

Cũng theo ông Hà Minh Quý, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong khai thác, chế biến lâm sản, tiêu thụ gỗ; tập trung hoàn thành cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và phấn đấu hoàn thành kế hoạch khai thác khoảng 1 triệu m3 gỗ rừng trồng vào cuối năm nay. Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến gỗ, nhất là DN xuất khẩu trong xác nhận nguồn gốc, xây dựng nhà máy chế biến và truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng, cũng như hồ sơ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến… Bên cạnh đó, giai đoạn hiện nay cũng đòi hỏi các DN cần chủ động, tích cực hơn trong việc tiếp cận, mở rộng đa dạng thị trường xuất khẩu để không bị động, phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/san-xuat-lam-nghiep-diem-sang-thi-truong-go-che-bien-074321.bbg
Zalo