Ngành nông nghiệp và WB bàn giải pháp hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Nhiều khu vực, người dân đã tự nguyện tham gia vào chương trình sau khi thấy được hiệu quả của đề án.
Chiều 23/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã họp với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về các bước chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) hỗ trợ thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiệu quả bước đầu tại mô hình thí điểm ở một số địa phương cho thấy, chi phí về giống, vật tư nông nghiệp đầu vào đều giảm 30%; giá lúa và thu nhập của nông dân đều tăng lên, sản lượng lúa đều được các doanh nghiệp bao tiêu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, hiện có một số tổ chức, cá nhân hiểu chưa đúng về mục đích của đề án. Đề án không phải là để bán tín chỉ carbon mà nhằm nâng cao giá trị bền vững hạt gạo Việt Nam. Đó là tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, giảm phát thải trong sản xuất lúa, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nhiều khu vực, người dân đã tự nguyện tham gia vào chương trình sau khi thấy được hiệu quả của đề án. Với vụ sản xuất thí điểm vừa qua, giá lúa, thu nhập của người dân tăng đều. Nhiều doanh nghiệp đã tới đăng ký thu mua lúa được sản xuất giảm phát thải. Trong vụ Đông Xuân và Hè Thu sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa ra được hệ số giảm phát thải carbon trong sản xuất lúa.
Ông Li Guo, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, đại diện Đoàn công tác cho biết, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) phê duyệt tổng kinh phí là 33,3 triệu USD (số tiền này có thể tăng lên đến 40 triệu USD), sẽ được chi trả dựa trên kết quả và theo 2 giai đoạn. Cam kết tài trợ khoản kinh phí này của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Ngoài ra, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do Ngân hàng Thế giới trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris và các đề nghị khác.
Ông Li Guo cũng cho biết, chương trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai đề án không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính mà còn hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật. Đề án khi thành công sẽ trở thành nơi trình diễn cho toàn cầu về phương thức canh tác mới này.
Tại buổi làm việc, hai bên đã làm rõ hơn quyết định phê duyệt hợp tác về quỹ TCAF; trao đổi thống nhất phương pháp thực hiện đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa để hình thành tín chỉ giảm phát thải carbon chuyển nhượng/trao đổi với Quỹ TCAF và sử dụng cho cam kết quốc gia NDC.
Hai bên cũng bàn về việc tổ chức hội thảo để trao đổi tăng cường nhận thức của các bộ, ngành liên quan về kinh nghiệm tiếp cận thị trường carbon, ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA), thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (MOPA)/chuyển nhượng quốc tế kết quả giảm phát thải (ITMO); quy trình thủ tục trong nước về việc phê duyệt triển khai ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Hai bên cũng làm rõ chức năng và nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan đến việc phê duyệt và triển khai hợp tác với Quỹ TCAF; trao đổi về các chính sách đặc thù hỗ trợ phê duyệt dự án vốn vay và hợp tác với Quỹ TCAF…
Đoàn công tác cũng tham quan thực địa để xem xét khả năng áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải (tưới ngập khô xen kẽ), xác định nhu cầu cần đầu tư để áp dụng biện pháp canh tác giảm phát thải và các nội dung cần thiết khác để đẩy nhanh hợp tác với Quỹ TCAF.