Sản xuất dựa vào tự nhiên: hướng phát triển bền vững

Sản xuất, kinh doanh dựa vào tự nhiên giúp DN đạt lợi ích kép, vừa nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu, vừa quản trị rủi ro và gia tăng lợi ích xã hội. Đây cũng là chủ trương được Chính phủ khuyến khích, hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero.

Lợi ích kép khi DN sản xuất thuận thiên

Tại Hội nghị COP-27, lần đầu tiên các giải pháp dựa vào tự nhiên (Nature Based Solutions – NbS) được đề cập trong quyết định bao trùm. Đến COP-28, NbS là điểm sáng được đánh giá cao và tập trung thảo luận bởi các chuyên gia, các tổ chức cũng như các DN. NbS được hiểu là các giải pháp sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. NbS bảo vệ, phục hồi thiên nhiên, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho con người.

Vùng trồng nguyên liệu của Công ty CP Traphaco.

Vùng trồng nguyên liệu của Công ty CP Traphaco.

Theo ông Phạm Hoàng Hải - Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) nhấn mạnh, NbS không phải là những điều xa vời mà là những vấn đề quen thuộc hàng ngày hàng giờ DN thực hành việc kinh doanh. Khi DN thực hiện NbS, sẽ nâng cao được uy tín, giá trị thương hiệu và trách nhiệm với các vấn đề xã hội. Đồng thời, giúp DN đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao vị thế DN trong chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong sản xuất, kinh doanh đối với các bên liên quan.

Hơn nữa, việc thuận thiên sẽ mang lại giá trị đồng thời về môi trường, kinh tế, xã hội cho các bên liên quan cùng tham gia. Đặc biệt, hỗ trợ DN thực hiện sản xuất kinh doanh thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thảm họa thiên nhiên. Giúp DN phát triển các dự án, chương trình cải thiện hiệu quả kinh tế đồng thời từng bước phục hổi hệ sinh thái.

Chia sẻ những lợi ích khi sản xuất dựa vào tự nhiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco Đào Thúy Hà cho biết, đơn vị đã lựa chọn phát triển bền vững là sứ mệnh của DN. Vì vậy, đơn vị đã tiên phong trong cuộc cách mạng Đông dược khi đưa ra sáng kiến phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà (DN - Nhà nước/chính quyền địa phương - nhà khoa học - nhà nông) để phát triển vùng trồng. GreenPlan đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông dân, nâng cao tri thức cho bà con nông dân hợp tác trồng, thu hái dược liệu với Traphaco. Đến nay, Traphaco có 7 dược liệu có vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế GACP.

Cũng khẳng định lợi ích khi sản xuất dựa vào tự nhiên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững của Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững là đòi hỏi cấp thiết đối với DN. Bởi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các nhãn hàng phải phát triển bền vững. Cùng với đó, Chính phủ các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng đưa ra cam kết về phát triển bền vững. Do đó, Unilever đang nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên để đưa ra thị trường.

Thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ DN dựa vào tự nhiên

Hiện nay, một số thị trường như EU đã bắt buộc công bố ESG, trong đó có 2 yêu cầu quan trọng là lập báo cáo phân bổ tài chính của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ nguồn lực tài chính cho phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Các DN trong thị trường châu Âu đã và đang bắt đầu thực hiện điều này. Hành động này ảnh hưởng trực tiếp tới các DN Việt Nam do chúng ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, muốn phát triển bền vững, thực hiện NbS với các DN là không thể chậm trễ.

Kể từ khi Việt Nam đưa ra cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 là sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050 như nhiều nước phát triển, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy phát triển xanh, phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó cộng đồng DN được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.

Trưởng Ban biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường) Nguyễn Sỹ Linh cho biết, phát triển bền vững, thuận theo tự nhiên là xu hướng chung của toàn cầu. Các DN cần nhìn nhận và tận dụng được giá trị tự nhiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng tới tự nhiên. DN tùy thuộc vào quy mô, tính chất hoạt động để có mô hình phát triển phù hợp.

Trước hết, cần xác định các vấn đề môi trường, xã hội, kinh tế mà DN cần hoặc muốn giải quyết. Đánh giá tài nguyên tự nhiên sẵn có, các cơ hội mà hệ sinh thái có thể mang lại. Tiếp đến, cần lập kế hoạch, xây dựng chiến lược cụ thể sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Xác định các bên liên quan để hỗ trợ, hợp tác để triển khai các giải pháp. Mặt khác, cần tăng cường nâng cao nhận thức về lợi ích của các giải pháp NbS trong cộng đồng và nội bộ DN, tập huấn nhân viên, các bên liên quan về phương pháp cũng như lợi ích của NbS.

Còn theo Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) Phạm Thị Cẩm Nhung, DN khi phát triển dựa vào tự nhiên phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi giải pháp dựa vào thiên nhiên sẽ mất nhiều thời gian để đo đếm về lợi ích kinh tế. Cùng với đó, rủi ro về thiên tai và biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới các mô hình thuận thiên. Ngoài ra, có nhiều tiêu chí rõ ràng hỗ trợ DN phát triển thuận thiên tiếp cận với các nguồn tài chính xanh.

Do vậy, bà Phạm Cẩm Nhung đưa ra 4 khuyến nghị, bao gồm: Thiết lập cơ chế, chính sách, ưu đãi cho giải pháp thuận tự nhiên; khai thác tiềm năng thị trường carbon đồng lợi ích giữa môi trường, xã hội và lợi nhuận kinh doanh; lồng ghép NbS vào mô hình kinh doanh và chứng minh được tính hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi cho DN khi đầu tư kinh doanh vào mô hình NbS.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/san-xuat-dua-vao-tu-nhien-huong-phat-trien-ben-vung.html
Zalo