Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc

Năm 2024, huyện Than Uyên gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp do tác động từ nhiều yếu tố: thiên tai, hạn hán... Nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đến nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn có bước khởi sắc.

Theo kế hoạch năm 2024, huyện phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 951 tỷ đồng. Nhưng 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt được 392,6 tỷ đồng. Nguyên nhân do công nghiệp sản xuất điện giảm, thời tiết nắng hạn kéo dài, sau đó mưa lũ liên tục gây khó khăn cho việc phát điện ổn định. Công nghiệp khai thác khoáng sản đạt giá trị 0 đồng vì trên địa bàn huyện chỉ có 1 mỏ đá nhưng doanh nghiệp không thực hiện khai thác. Công nghiệp chế biến đạt giá trị thấp, do chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất quá cao.
Trước những khó khăn đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng cơ chế thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm giá trị, có tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, huy động nguồn lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: thủy điện vừa và nhỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, chế biến thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện theo đúng vùng quy hoạch, đảm bảo tiến độ dự án. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu. Phối hợp tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến chè, mắc-ca. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển công nghiệp thủy điện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy thủy điện được phê duyệt đầu tư trên địa bàn. Cùng với đó, chú trọng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Công nhân Nhà máy Thủy điện Mường Kim II trực vận hành sản xuất điện năng.

Công nhân Nhà máy Thủy điện Mường Kim II trực vận hành sản xuất điện năng.

Nhà máy Thủy điện Mường Kim II (bản Ngã Ba, xã Mường Kim) đi vào hoạt động từ tháng 7/2019, công suất 12MW. Anh Trần Tuấn - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Mường Kim II chia sẻ: “Năm 2024, nhà máy gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất điện năng, nhất là do ảnh hưởng phức tạp của thiên tai, nhưng đơn vị luôn được cấp ủy, chính quyền huyện và các phòng, ban chuyên môn tạo điều kiện nên đã chủ động ứng phó với thiên tai, vận hành các tổ máy an toàn, ổn định. Trong năm qua, nhà máy phát gần 43 triệu kWh điện, đạt kế hoạch đề ra”.
Nhờ có những giải pháp linh hoạt trong phát triển công nghiệp, năm 2024 tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Than Uyên đạt 954 tỷ đồng (đạt 100,3% kế hoạch, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước). Trong năm 2025, huyện đề ra mục tiêu tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 104 tỷ đồng.
Anh Phan Văn Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Than Uyên cho biết: Ngay từ đầu năm, phòng tham mưu cho huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiếp tục xây dựng cơ chế thuận lợi nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào địa bàn. Làm tốt công tác phối hợp trong dự báo và phòng chống, khắc phục thiệt hại của thiên tai để ổn định sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Quy hoạch và cấp phép khai thác các mỏ cát, đá ở các xã: Mường Kim, Mường Mít… nhằm tăng nguồn cung và tính cạnh tranh trong sản xuất vật liệu xây dựng. Có cơ chế thông thoáng để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp Than Uyên nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến sâu. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của huyện (lúa, chè, cá). Đồng thời, tạo thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm mở rộng quy mô, sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình và xây dựng theo quy hoạch. Khuyến khích phát triển và xây dựng các đề án sản xuất hàng hóa, thực hiện chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư vào huyện, nhất là xây dựng quy hoạch điểm du lịch để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Than Uyên.
Với những giải pháp trên cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện, tin rằng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Than Uyên 2025 tiếp tục đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ đó, tạo tiền đề để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân.

Ánh Hồng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-c%C3%B3-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-kh%E1%BB%9Fi-s%E1%BA%AFc
Zalo