San sẻ với người khó khăn
Hoạt động thiện nguyện của chị Lại Thị Quỳ đã góp phần chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn
Căn nhà hơn 30 m2 nằm trong hẻm nhỏ trên đường Vĩnh Lộc (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM) lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Đây là lớp dạy nghề may miễn phí cho phụ nữ khó khăn.
Làm thay đổi số phận
13 năm trước, chị Lại Thị Quỳ (quê ở Đồng Nai) đến huyện Bình Chánh làm công nhân (CN). Sau khi có con nhỏ, do không có thời gian tăng ca nên thu nhập giảm. Chị nghỉ việc, mua chiếc máy may rồi lên mạng tự học, dần trở thành thợ may lành nghề.
Sau dịch COVID-19, số lượng CN thất nghiệp trên địa bàn ngày một đông, đời sống muôn vàn khó khăn. Với mong muốn tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn, năm 2023, chị Quỳ đã mở lớp dạy nghề may miễn phí. Phần lớn học viên đến với lớp không có tay nghề, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0, từ những công đoạn đơn giản nhất như cắt rập, các đường may cơ bản… Bằng sự cảm thông sâu sắc, chị Quỳ truyền nghề lại cho họ. Ban đầu, lớp chỉ có 3 chiếc máy may do chị tự trang bị. Sau này, lớp được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phạm Văn Hai hỗ trợ thêm 4 máy may.
Cách đây 4 năm, chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (46 tuổi) phát hiện khối u bướu cổ. Thời điểm đó, chị chỉ ước mơ có một cái nghề để có thể nuôi sống bản thân. Chính sự tận tâm của chị Quỳ đã thay đổi cuộc đời người phụ nữ kém may mắn như chị "Đến với lớp, tôi không chỉ được học nghề mà còn có cơ hội gặp gỡ các chị em, nhờ đó tinh thần lạc quan hơn. Sau hơn 1 năm, tay nghề tôi đã vững và có thể nhận sản phẩm gia công ở nhà" - chị Ngọc chia sẻ.
Dù chỉ mới học được 2 ngày nhưng chị Nguyễn Thị Tư (41 tuổi) đã thành thạo các bước may cơ bản. Vốn buôn bán vỉa hè, từ ngày kinh tế khó khăn, chị tạm ngưng vì ế ẩm. Nghe chị em truyền tai nhau về lớp học, chị Tư đã tìm đến. Chị Tư hồ hởi nói: "Tôi chỉ mong thạo nghề để có thể xin được việc làm ở một công ty may, kiếm thêm tiền lo cho con đi học".
Dạy trẻ điều hay, lẽ phải
Sau thành công với lớp dạy may miễn phí, chị Quỳ tiếp tục "lấn sân" sang các mô hình "0 đồng" khác.
Chị kể trên địa bàn vẫn còn nhiều trẻ em không được đi học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ thực tế ấy, chị và các học viên ở lớp may quyết định mở lớp học tình thương cho các em. Ở lớp, chị Quỳ dạy các em môn toán và Tiếng Việt. Chị vừa là cô giáo vừa là người bạn tâm tình chia sẻ cùng các em những điều hay lẽ phải. Thời điểm hè, lớp học lên đến hơn 100 em, chị vận động giáo viên và đoàn viên thanh niên ở địa phương hỗ trợ đứng lớp.
Em Thạch Ngọc Thủy Tiên (13 tuổi) tâm sự em rất thích đi học nhưng gia đình không có điều kiện. Em tham gia lớp học của chị Quỳ để biết mặt chữ. Hơn 1 năm qua, cô bé không vắng bữa nào. "Hiện tại, em chưa đủ giấy tờ nhập học nên chưa thể đến trường. Học ở đây, em rất vui vì các cô chỉ dẫn rất nhiệt tình" - bé Tiên hồn nhiên nói.
Là một trong những người hỗ trợ đứng lớp, em Nguyễn Thanh Nga - học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Minh Xuân - cho biết hiện lớp đang dạy cho 34 em. Dù mới đồng hành với lớp 7 tháng nhưng Nga cũng học được rất nhiều điều từ các em. "Dù phải cùng ba mẹ vất vả mưu sinh nhưng lúc nào các em đến lớp cũng tràn đầy năng lượng. Các em không chỉ khó khăn, thiếu thốn về kinh tế mà đời sống tinh thần cũng cần được chăm sóc rất nhiều. Nhờ vậy, em cũng học được cách lắng nghe, thấu hiểu các học sinh đặc biệt của mình" - Nga bộc bạch.
Không bỏ cuộc
Bên cạnh lớp dạy nghề may và dạy học miễn phí, chị Quỳ còn hỗ trợ gạo, thực phẩm, xe lăn cho người khuyết tật, xe đạp cho trẻ em. Với chị Quỳ, thành công ở mỗi mô hình giúp chị có thêm động lực, thêm niềm tin vào cuộc sống. "Tôi chưa bao giờ có ý định dừng các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là việc dạy may miễn phí. Khi nào còn sức lực và còn có người cần học nghề, tôi vẫn còn đứng lớp" - chị Quỳ bộc bạch.