Kinh nghiệm trong công tác sắp xếp hệ thống trường học tinh gọn ở Quảng Trị
Sau 5 năm (2019- 2024) triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 84 ngày 7/5/2018 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Quyết định số 1322 ngày 15/6/2018 của UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố, cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp công lập, hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hợp lý, giảm được số lượng đầu mối, cán bộ quản lý, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, quy mô trường lớp lớn hơn.
Cùng với đó, giáo viên dạy các môn như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học dạy cả hai cấp học thuận lợi trong việc thực hiện định mức tiết dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn chế được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Một số trường có quy mô trường lớp lớn, có ít điểm trường và các điểm trường gần nhau thuận lợi trong việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục có thể sử dụng chung về cơ sở vật chất, thuận lợi trong đầu tư xây dựng hạng mục dùng chung trong nhà trường nên việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng như đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn.
Việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời thực hiện giải pháp xóa phòng học tạm, xóa điểm lẻ không đủ quy mô trong những năm qua đạt kết quả tích cực. Trước sáp nhập, toàn tỉnh có 476 đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay còn 397 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trong đó có 376 cơ sở giáo dục công lập, 21 đơn vị tư thục, tỉ lệ giảm hơn 22%, cao hơn 0,4% so với đề án của tỉnh đề ra. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, tổ chuyên các trường học cũng giảm đáng kể.
Để đạt được kết quả đó, bám sát nghị quyết của Trung ương, kế hoạch, đề án của tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tập trung lãnh đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục công lập trong diện sáp nhập xây dựng đề án sáp nhập trường, đồng thời phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Quyết định số 1322 của UBND tỉnh.
Thường xuyên nắm bắt tình hình biến động sau khi sáp nhập, kịp thời hướng dẫn các trường khắc phục khó khăn, vướng mắc cũng như làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong công tác bố trí, sắp xếp theo Quyết định số 1537 ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh. Tổ chức sơ kết đánh giá nguyên nhân khó khăn, bất cập của các đơn vị sau sáp nhập để có giải pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, ngay sau khi sáp nhập vẫn còn một số khó khăn như một số trường sau khi sáp nhập còn có nhiều điểm trường và những điểm trường có khoảng cách xa nhau, khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi tổ chức hoạt động dạy học. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn nhiều bất cập, cần thay đổi để phù hợp hơn theo chủ trương sáp nhập trường.
Việc bố trí giáo viên tổng phụ trách đội còn nhiều bất cập, nhất là trong việc tổ chức hoạt động, theo dõi nền nếp học sinh, trong các buổi chào cờ đầu tuần, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh đó, trong cơ sở giáo dục có nhiều điểm trường cách nhau khá xa nên không đủ thời gian cho nhân viên thư viện, thiết bị, y tế thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của giáo viên, học sinh về công tác thư viện, thiết bị trường học.
Việc tổ chức hội họp, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt tập thể ở những đơn vị có 2 cấp học gặp nhiều khó khăn do đặc điểm tâm sinh lý học sinh hai cấp khác nhau; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, thời lượng tổ chức các tiết học của 2 cấp khác nhau. Lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục có nhiều thay đổi đối với mô hình trường nhiều cấp học, cần đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí lớn, khó khăn cho địa phương.
Để tháo gỡ khó khăn đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sự cần thiết phải sáp nhập trường học, xây dựng đơn vị trường học có quy mô lớn hơn, tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tăng cường chỉ đạo hoạt động chuyên môn ở các cấp học, nhất là các trường sáp nhập có 2 cấp học, đồng thời sắp xếp, bố trí lại các điểm trường lẻ một cách hợp lý, đảm bảo khoảng cách theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Mặt khác, kịp thời chỉ đạo các đơn vị trường học có điều kiện triển khai dạy học 2 buổi/ngày, dạy học môn Tiếng Anh, Tin học và nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động tập thể, từng bước tạo sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục.
Xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sau sáp nhập một cách hợp lý, đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các điểm trường, đảm bảo theo hướng đạt chuẩn, tạo điều kiện để xây dựng trường sau sáp nhập đạt chuẩn quốc gia, tạo môi trường học tập tốt để khẳng định chủ trương sáp nhập là đúng.
Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng việc đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa, đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên có đủ điều kiện để bố trí việc làm phù hợp đối với nhân viên dôi dư...