Sẵn sàng đón làn sóng FDI thế hệ mới - Bài cuối: Đừng để nhà đầu tư… mỏi chân

Việc 'chậm chân' về chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực… đã khiến một số địa phương bị tuột mất cơ hội vàng trong thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Những cơ hội tỷ USD Việt Nam bỏ lỡ

Khi FDI công nghệ cao đổ về ASEAN và các quốc gia trong khu vực nỗ lực nắm bắt cơ hội, Việt Nam cảm nhận rõ sức nóng của cuộc cạnh tranh hút FDI thế hệ mới.

Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI khốc liệt hiện nay, chúng ta không thể mãi "ru mình" với thông điệp "Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài".

Nhất là khi quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu hay thậm chí các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,... đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD.

Thời gian qua, đã có một số tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam.

Một số nhà đầu tư đi đến quyết định hủy bỏ kế hoạch đầu tư hoặc không tiếp tục rót thêm vốn vì cơ chế chính sách thu hút đầu tư còn vướng mắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, đã có một số nhà đầu tư đi đến quyết định hủy bỏ kế hoạch đầu tư hoặc không tiếp tục rót thêm vốn vì cơ chế chính sách thu hút đầu tư còn vướng mắc. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa sẵn sàng về đất đai, hạ tầng, hoặc chậm phát triển nguồn nhân lực… cũng cản trở sự thích ứng của nhà đầu tư.

Điển hình như LG Chemical (Hàn Quốc) đã đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất nhưng không được đáp ứng. Do đó, đơn vị này đã chuyển đầu tư sang Indonesia.

Tương tự, Intel đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền, sau đó đã chuyển sang Ba Lan.

Intel từng Intel đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền, sau đó đã chuyển sang Ba Lan.

Intel từng Intel đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền, sau đó đã chuyển sang Ba Lan.

Cách đây 2 năm, nhà đầu tư từ Áo là AT&S đã tới Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư một dự án bán dẫn 1,6 tỷ Euro. Cơ hội là rất lớn, AT&S đã thảo luận với một số địa phương về việc phát triển dự án này. Nhưng cuối cùng, nhà đầu tư này đã quyết định chọn Malaysia. Lý do là vì Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thậm chí, một số tập đoàn lớn đã trao đổi chính thức về việc tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ phù hợp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án khác cũng chững lại như dự án sản xuất thiết bị y tế 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai của SMC (Nhật Bản); dự án mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5/2024, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nói rằng, việc nhà đầu tư đến Việt Nam và rót tiền vào Việt Nam hay quốc gia khác là chuyện bình thường. Bởi, họ sẽ lựa chọn đầu tư vào nhiều quốc gia khác nhau, không riêng Việt Nam.

"Quyết định cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan", ông Trung nói và cho biết, có 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, về khách quan liên quan đến yếu tố chính trị, kinh tế, thế giới, khu vực, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng giữa các quốc gia cũng như toàn cầu.

Thứ hai, về yếu tố chủ quan phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ phù hợp của từng địa bàn, khu vực, nguồn lực và khả năng triển khai của nhà đầu tư.

Thứ ba, là sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn này trong đó tập trung có 3 vấn đề: thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Đừng để "đại bàng" đến chỉ "ở trọ"

Trong nội dung trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói rằng "địa phương luôn khát vọng và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến Đắk Nông". Tuy nhiên, số lượng vốn dự án FDI về Đắk Nông còn rất thấp, kể cả trong nước.

"Vấn đề bây giờ vẫn là hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng giao thông", ông Hồ Văn Mười nói.

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông hi vọng, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đi vào hoạt động thì việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn.

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Báo Đắk Nông).

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Báo Đắk Nông).

Tại VBF 2024, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có những cơ chế ưu đãi hấp dẫn và đa dạng cho các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam.

Đặc biệt là liên quan đến quỹ hỗ trợ đầu tư dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có vai trò đáng kể để nâng cao quá trình cạnh tranh của Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy đáng kể sự chuyển dịch của Việt Nam sang tương lai xanh và sạch hơn.

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cũng chia sẻ Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo tính nhất quán của chính sách. Đồng thời, giảm thiểu những điều không chắc chắn về khung pháp lý. "Hiện nay, có thể phải mất 2 đến 3 năm để giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính", ông nói.

Ngoài ra, đại diện Samsung cũng kiến nghị Chính phủ cần thực hiện cam kết với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như theo dõi sát sao hơn việc cải cách thủ tục hành chính.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam tại VBF 2024 (Ảnh: MPI).

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam tại VBF 2024 (Ảnh: MPI).

Ông Joseph Uddo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các thành viên AmCham có hoạt động kinh doanh đa dạng trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam. Dù thời gian qua, một số thủ tục hành chính được loại bỏ và đơn giản hóa, tuy nhiên một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục đưa ra các thủ tục hành chính mới.

"Các thành viên Amcham phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt và các gánh nặng hành chính tốn thời gian. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của họ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam", ông Joseph Uddo nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch AmCham hoan nghênh việc Chính phủ tập trung vào tăng trưởng chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư và sản xuất công nghệ cao. Song nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu được thảo luận hôm nay sẽ khó có thể đạt được.

"Một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức", ông chia sẻ.

Còn ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ: "Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư".

Theo đại diện KoCham, các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.

"Đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định", Chủ tịch KoCham kiến nghị.

Khắc phục nhiều điểm nghẽn, thực sự tối ưu hóa lợi ích đầu tư FDI

Tại báo cáo "Vietnam at a glance tháng 7", Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam có lợi thế của "một điểm đến FDI tốt, vượt trội hơn các nước Đông Nam Á khác" trong xu hướng dịch chuyển sản xuất. Điều này có được là nhờ những nền tảng thuận lợi về chi phí cạnh tranh, trình độ lao động.

HSBC cho rằng, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này.

So với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỉ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. Mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn.

Điều này thôi thúc Chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những chủ trương được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian qua (Ảnh: Hữu Thắng).

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những chủ trương được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian qua (Ảnh: Hữu Thắng).

Bên cạnh mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước có thể giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp.

Theo HSBC, các yếu tố bên cạnh cân nhắc về thuế, chẳng hạn như chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước.

"Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cũng như tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới", HSBC nhận định.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư đến Việt Nam trên tinh thần "win-win", vì lợi ích của đất nước, của nhân dân và của cả nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nêu rõ Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư. Một là luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Hai là, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Bà là, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, để đón bắt được cơ hội lịch sử, nhất là thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghệ 4.0, Việt Nam còn phải tiếp tục khắc phục nhiều điểm nghẽn, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, đất đai, năng lượng, rồi tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, phải làm sao để khu vực đầu tư nước ngoài tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn đến khu vực trong nước. Từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đưa doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Và trong hành trình thu hút đầu tư FDI, việc giữ chân đại bàng thôi là chưa đủ, mà phải làm sao để họ đến và ở lại, xây nhà, "bám rễ" và cùng với khu vực trong nước, đưa Việt Nam tăng tốc phát triển và hiện thực hóa được khát vọng thịnh vượng của dân tộc. Có như vậy, Việt Nam mới thực sự tối ưu hóa lợi ích từ dòng đầu tư nước ngoài.

Thu Huyền - Khánh Ngọc

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/san-sang-don-lan-song-fdi-the-he-moi-bai-4-dung-de-nha-dau-tu-moi-chan-204240811024248971.htm
Zalo