Sẵn sàng đào tạo lĩnh vực bán dẫn
Tại hai cơ sở sẽ đào tạo lĩnh vực bán dẫn sắp đến của Đại học Huế, đến lúc này nhân lực và vật lực đã sẵn sàng.
Năm 2024, Đại học Huế chính thức mở hai chuyên ngành đào tạo mới liên quan đến lĩnh vực bán dẫn tại hai cơ sở đào tạo, lĩnh vực được xã hội quan tâm nhất thời gian qua. Đó là chuyên ngành công nghệ thiết kế vi mạch, nằm trong ngành kỹ thuật điện tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ; chuyên ngành công nghệ bán dẫn, nằm trong ngành Vật lý của Trường đại học Khoa học.
PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế cho rằng, trong đào tạo bán dẫn, yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất. Thời gian qua, hệ thống các phòng Lab (phòng thí nghiệm, lắp đặt các thiết bị khoa học kỹ thuật, công cụ, dụng cụ hỗ trợ) phục vụ đào tạo đã được xây dựng tại các đơn vị của Đại học Huế. Quan điểm của Đại học Huế là các đơn vị sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau về cơ sở vật chất nên yêu cầu về cơ sở vật chất không còn là trở ngại đối với khoa.
Về nhân lực để đào tạo bán dẫn, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khẳng định, Đại học Huế đã được thống nhất là nhân lực sẽ được dùng chung. Trong toàn Đại học Huế đang có nguồn nhân lực đào tạo vi mạch và bán dẫn có uy tín hàng đầu ở Việt Nam, với hơn 40 tiến sĩ được đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này. Bản chất của vi mạch bán dẫn rất gần với điện - điện tử. Đối với Đại học Huế, lại rất có kinh nghiệm đào tạo các ngành liên quan, như kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử viễn thông, cơ điện tử.
Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tự tin với nguồn nhân lực sẵn có để đào tạo lĩnh vực bán dẫn. Theo lãnh đạo trường, năm 2023, có một cựu sinh viên nhà trường là TS. Nguyễn Thị Nghi Nhạn đã đạt được giải thưởng “Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất” tại Hội nghị Nhiệt phân và thủy nhiệt quốc tế ở Valladolid, Tây Ban Nha. Giải thưởng được trao không chỉ phản ánh tài năng cá nhân của nữ tiến sĩ, mà còn góp phần khẳng định tính chuyên môn, thực tiễn của chương trình đào tạo bán dẫn thuộc ngành Vật lý tại nhà trường.
Ở một diễn biến khác, tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Siemens EDA phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào ngày 29/2 vừa qua, Công ty Siemens EDA đã trao các phần mềm tài trợ cho các trường đại học tiêu biểu đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn; trong đó, có Đại học Huế. Đây sẽ là một lợi thế lớn dành cho sinh viên của Đại học Huế theo học chuyên ngành thiết kế vi mạch, hay công nghệ bán dẫn. Những sinh viên khóa đào tạo đầu tiên cũng sẽ là sinh viên đầu tiên được sử dụng và thực hành trên phần mềm tiên tiến này.
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp
Đại học Huế nhìn nhận, bán dẫn là lĩnh vực có nhiều yêu cầu mới, nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhưng khó khăn bước đầu trong đào tạo. Vì vậy, chương trình sẽ được các đơn vị đào tạo cập nhật, cải thiện liên tục. Cùng với đó, Đại học Huế sẽ có những đầu tư xứng đáng để hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất trong đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch cho hay, đối với đào tạo bán dẫn, khoa đặt mục tiêu lý thuyết chiếm 60%, còn lại thực hành phải lên đến 40%. Để tăng tính thực hành, việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp là yếu tố mang tính then chốt. Doanh nghiệp cùng với nhà trường xây dựng các mô-đun (đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp) nhằm đào tạo trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn gần nhất với nhu cầu việc làm của xã hội.
“Khoa Kỹ thuật và Công nghệ vừa hợp tác với Tập đoàn Marvell Technology, hiện là một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu, lọt top 25 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này. Tập đoàn Marvell thống nhất sẽ tuyển thực tập sinh và sinh viên làm đồ án tốt nghiệp các ngành hiện có như kỹ thuật điện - điện tử - tự động hóa. Sinh viên sẽ tham gia trực tiếp vào các công việc của Công ty Marvell Việt Nam. Phía Marvell sẽ tham gia xây dựng chương trình hợp tác đào tạo cho giảng viên nguồn về lĩnh vực thiết kế vi mạch”, PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch chia sẻ.
Theo PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, trong chuyên ngành đào tạo về Công nghệ bán dẫn sắp đến của trường, sẽ có các môn học đặc thù, như vật liệu ứng dụng công nghệ bán dẫn và màn hình, công nghệ linh kiện bán dẫn, công nghệ chế tạo màng bọc… Hệ đào tạo 4 năm được thiết kế bài bản, giúp sinh viên vững lý thuyết, chắc thực hành. Nhà trường cam kết 100% sinh viên đầu ra có việc làm trong các lĩnh vực thiết kế - nghiên cứu, phát triển (R&D), sản xuất, đóng gói kiểm thử, hỗ trợ và ứng dụng... liên quan đến bán dẫn. Nhà trường cũng có sự liên kết chặt chẽ cùng doanh nghiệp, điển hình là Huetronics mỗi năm sẽ nhận 10 sinh viên xuất sắc nhất vào làm việc tại nhà máy của hệ thống.
Đại học Huế thông tin thêm, đơn vị đã làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, tiến đến hợp tác trong đào tạo và cung ứng nguồn lao động sau này. Có thể kể đến Công ty DreamBig Semiconductor Việt Nam; Công ty TNHH Sanei Hytechs Việt Nam; Synopsys Vietnam; Samsung Việt Nam, Intel hay IBM. Cùng với đó, Đại học Huế cũng ký hợp tác với Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân, trường đào tạo lĩnh vực bán dẫn hàng đầu ở Đài Loan.