Lệnh cấm TikTok đẩy các tập đoàn công nghệ Mỹ vào thế khó

Lệnh cấm TikTok tại Mỹ, có hiệu lực từ ngày 19/1, không chỉ tác động trực tiếp đến ứng dụng này mà còn gây áp lực nghiêm trọng lên các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google và Oracle.

Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: THX/TTXVN

Theo quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ, TikTok phải được bán từ ByteDance - công ty mẹ có trụ sở tại Bắc Kinh hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Dù không yêu cầu ngừng hoạt động ứng dụng ngay lập tức, nhưng luật áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ đơn vị nào phân phối, cập nhật hoặc duy trì TikTok. Apple và Google buộc phải gỡ bỏ ứng dụng khỏi kho ứng dụng, trong khi Oracle - đối tác cung cấp dịch vụ đám mây cho TikTok - đối diện rủi ro lớn nếu tiếp tục hỗ trợ nền tảng này. Các công ty vi phạm có thể bị phạt đến 5.000 USD mỗi ngày cho mỗi người dùng vẫn truy cập được TikTok, khiến tổng mức phạt có thể lên đến hàng tỷ USD.

Trong thời điểm Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm, TikTok cùng các công ty liên quan đã kêu gọi ông đưa ra cam kết rõ ràng về việc không thực thi lệnh cấm. Tuy nhiên, Nhà Trắng bác bỏ yêu cầu này, cho rằng đây là một động thái nhằm gây áp lực từ phía TikTok. Chính quyền hiện tại khẳng định không có kế hoạch hành động trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Ông Donald Trump - người sẽ chính thức đảm nhận vai trò Tổng thống Mỹ, đang cân nhắc gia hạn thêm 90 ngày để TikTok hoàn tất việc thoái vốn. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết khả năng cao sẽ công bố quyết định này ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, điều này không mang lại sự chắc chắn cho các công ty công nghệ lớn như Apple và Google. Giáo sư luật Gus Hurwitz từ Đại học Pennsylvania nhận định rằng đây là một quyết định kinh doanh đầy rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa các công ty công nghệ và chính quyền mới còn nhiều bất ổn.

Oracle với mối quan hệ gần gũi với ông Trump, có thể sẽ hành động khác biệt. Trước đây, công ty này từng ký hợp đồng lưu trữ dữ liệu TikTok tại Mỹ thông qua "Dự án Texas" - một sáng kiến lưu trữ dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ nhằm xoa dịu lo ngại về an ninh quốc gia. Dù vậy, kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ Quốc hội Mỹ, dẫn đến việc luật cấm TikTok vẫn được thông qua.

Các nhà lập pháp Mỹ đang theo dõi sát sao phản ứng của các tập đoàn công nghệ. Thượng nghị sĩ Rick Scott kêu gọi Apple và Google tuân thủ luật pháp bằng cách nhanh chóng gỡ bỏ TikTok. Thượng nghị sĩ Mike Rounds đồng tình và cho rằng không cần thêm thời gian để thực thi lệnh cấm. Lãnh đạo Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc cũng đã gửi thư yêu cầu CEO của Google và Apple có hành động mạnh mẽ để đảm bảo tuân thủ các quy định.

Sự mơ hồ về mặt pháp lý và rủi ro tài chính đang đặt các tập đoàn công nghệ lớn vào thế khó. Trong khi Oracle có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ từ chính quyền Trump, Apple và Google lại phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía. Các công ty này buộc phải ra quyết định nhanh chóng trước khi luật có hiệu lực, giữa nguy cơ bị phạt khổng lồ và mất lòng tin từ chính phủ.

Lệnh cấm TikTok với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ứng dụng mà còn tạo ra những hiệu ứng dây chuyền sâu rộng trong ngành công nghệ Mỹ. Điều này buộc các tập đoàn lớn phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tuân thủ pháp luật hay bảo vệ lợi ích kinh doanh trong bối cảnh chính trị đầy căng thẳng.

Hoàng Minh/Báo Tin tức (Theo politico.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/lenh-cam-tiktok-day-cac-tap-doan-cong-nghe-my-vao-the-kho-20250119083606660.htm
Zalo