Sẵn sàng bước vào năm học mới

Ngày 5/9, hơn 206.000 học sinh mầm non và phổ thông toàn tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học 2023 - 2024 trong tiếng trống khai giảng rộn ràng. Năm học mới bắt đầu với niềm hân hoan, nhưng vẫn đối diện không ít khó khăn đặc thù. Ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh đã và đang cố gắng chuẩn bị tốt mọi mặt để thầy và trò cùng sẵn sàng 'chào' lớp mới, giờ học mới.

Giáo viên Trường Mầm non Họa Mi, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo sắp xếp, trang trí lại lớp trước thềm khai giảng.

Giáo viên Trường Mầm non Họa Mi, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo sắp xếp, trang trí lại lớp trước thềm khai giảng.

Trước thềm năm học 2023 - 2024, ông Nguyễn Văn Ðoạt, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: “Các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa cơ bản đã hoàn thành. Văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ các cấp học, các lĩnh vực đã được ban hành. Ðồng thời, ngành GD&ÐT cũng hướng dẫn các đơn vị cho học sinh tựu trường, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức khai giảng năm học mới, tổ chức tuần sinh hoạt đầu tiên của năm học... Mọi thứ đều đã sẵn sàng”.

Ðể năm học mới diễn ra thuận lợi, rất nhiều công tác phải chuẩn bị: Cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị dạy và học, sách giáo khoa, nhân lực... Với đặc thù vùng cao, những năm qua, ngành GD&ÐT tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến những vấn đề trên mà thầy và trò phải cùng vượt khó khắc phục, đặc biệt là thiếu cán bộ, giáo viên.

Tại huyện Tủa Chùa, theo định mức biên chế quy định, năm học 2023 - 2024, ngành GD&ÐT huyện Tủa Chùa còn thiếu gần 400 giáo viên, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt là trẻ 0 - 36 tháng tuổi. Ðể hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năm học mới, ông Vũ Ðức Biểu, Trưởng phòng GD&ÐT huyện cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường học trực thuộc sắp xếp, điều chỉnh tinh gọn lại quy mô số lớp, tăng số học sinh trên lớp một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo các trường quản lý, bố trí và phân công giáo viên hợp lý, khoa học, phù hợp với năng lực và tình hình; động viên giáo viên dạy tăng giờ, giải quyết đầy đủ chế độ dạy tăng giờ, dạy lớp ghép cho giáo viên. Cùng với đó xin ý kiến của UBND huyện biệt phái, giao nhiệm vụ kiêm nhiệm đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh và Tin học thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị trường trên cùng địa bàn xã. Phòng cũng tiếp tục tham mưu UBND huyện phê duyệt cho các đơn vị trường học hợp đồng giáo viên; tuyển dụng bổ sung giáo viên năm 2023 theo chỉ tiêu đã được phê duyệt...”.

Sách giáo khoa, đồ dùng học tập là điều kiện quan trọng cho năm học. Ðến nay, các cơ sở giáo dục đã đều được cung ứng sách đầy đủ theo nhu cầu. Học sinh và gia đình sẵn sàng sách vở, đồ dùng cho ngày học đầu tiên. Ðối với huyện Mường Nhé, năm học này có 676 lớp, 17.464 học sinh mầm non, tiểu học, THCS. Theo thống kê, học sinh Mường Nhé cần 12.170 bộ sách giáo khoa mới cho năm học 2023 - 2024. Từ tháng 7, sách đã được đơn vị cung ứng vận chuyển đến từng trường, đảm bảo cho tất cả học sinh. Bên cạnh việc học sinh được hỗ trợ chi phí học tập theo nghị định số 81/2021/NÐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ, thì Phòng GD&ÐT đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền học sinh và phụ huynh giữ gìn sách và tặng sách cho thư viện nhà trường khi kết thúc năm học trước để dành cho học sinh khóa tiếp. Ðồng thời tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, cho, tặng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo phục vụ tốt cho công tác dạy và học trước khi bước vào năm học mới.

Việc mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các cơ sở giáo dục trong năm học mới cũng được quan tâm. Tại huyện Tuần Giáo, cấp mầm non được bổ sung 4.746 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học các loại; cấp tiểu học có thêm 6.121 bộ, cấp THCS được sắm mới 1.221 bộ đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị dạy học các loại, tổng kinh phí thực hiện 14 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, các trường còn chủ động trang trí lớp học theo các chủ đề khác nhau, thiết thực cho năm học mới. Tại Trường Mầm non Họa Mi (xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo), năm học này các phòng học được “khoác lớp áo mới”. Nửa cuối tháng 8, giáo viên đã cùng nhau tự tay làm nhiều loại đồ vật, tạo hình khác nhau, hầu hết từ vật liệu tái chế để trang trí lại tất cả phòng học, tạo sự mới mẻ, thích thú cho học sinh. Cô Bùi Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chuẩn bị cho khai giảng, các cô đã trang trí lớp theo định hướng phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và dạy học hiện đại STEM. Với các nguyên liệu từ bìa cát tông và vỏ lon, chai, lọ, giấy... mỗi góc lớp mang một không gian riêng, thu hút trẻ quan tâm đến các chủ đề khác nhau, như: Hiện tượng tự nhiên, thế giới động vật, góc học toán, góc nghệ thuật... Chắc chắn các con sẽ thích khi vào học”.

Mọi khó khăn, tồn tại đều có giải pháp để khắc phục; mọi công tác cần thiết được sắp xếp, bố trí... Các cấp học trên địa bàn đều đã sẵn sàng cho năm học mới. Với sự chuẩn bị và gửi gắm tâm huyết của thầy cô, hi vọng học sinh tỉnh ta sẽ có một năm học mới nhiều niềm vui, trải nghiệm cùng những điều mới mẻ và bổ ích...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/208688/san-sang-buoc-vao-nam-hoc-moi
Zalo