Sản phẩm truyền thống góp sức phát triển kinh tế quê hương

Trong những năm gần đây, các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam không ngừng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế nhờ sự cải tiến về chất lượng cũng như mẫu mã. Điều này không chỉ góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống của người dân làng nghề, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn đang tỉ mỉ làm quạt cho đơn hàng của khách

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn đang tỉ mỉ làm quạt cho đơn hàng của khách

Gian nan đi tìm lại vị thế

Đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa mà còn góp phần đưa các sản phẩm làng nghề không ngừng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 1350 làng nghề và làng có nghề tại TP. Hà Nội, trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận.

Những nghề thủ công truyền thống tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Đồng thời, các làng nghề cũng tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống cho người dân.

Nằm ở gần sông Đáy, làng nón Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội đến nay vẫn giữ được sức hút là một trong những biểu tượng văn hóa của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trong xã có khoảng 30 - 40% hộ dân theo nghề, thu nhập của một người thợ làm nón rơi vào khoảng 4-6 triệu đồng một tháng tùy theo năng lực.

Hợp tác xã Thu Hương do nghệ nhân Tạ Thu Hương thành lập hiện tại đang sản xuất 200 mẫu mã sản phẩm khác nhau phục vụ đa dạng thị trường. Mỗi tháng, hợp tác xã bán ra hàng nghìn sản phẩm, mỗi sản phẩm dao động từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng tùy vào chất liệu và kiểu dáng, tập trung chủ yếu ở phân khúc nón truyền thống và các đơn hàng quốc tế. Hiện tại, sản phẩm nón lá làng Chuông cũng đã xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/sản phẩm.

Nghệ nhân cùng bà con trong hợp tác xã đã tập trung cải tiến chất lượng mẫu mã sản phẩm phục vụ sự thay đổi liên tục của thị trường và thị hiếu khách hàng. Đến nay, sản phẩm của làng nghề đã đạt được thành tựu ấn tượng, với 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, khẳng định chất lượng vượt trội của các sản phẩm nón lá. Đồng thời, Hợp tác xã Thu Hương vẫn duy trì xuất khẩu khoảng 10.000 chiếc nón lá mỗi tháng ra nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị và uy tín của nón lá làng Chuông trên thị trường quốc tế.

Nghệ nhân cho biết giá cả khi bán ở thị trường nước ngoài không thay đổi so với thị trường trong nước. Sản phẩm nón Chuông do hợp tác xã Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương sản xuất nói riêng và làng Chuông nói chung đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia,... Qua đó, hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên gấp 6-7 lần so với trước kia.

Nghề làm nón đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong hợp tác xã, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ, “Nghề này, người phụ nữ làm không phải vất vả, không phải đội nắng mưa. Chị em chòm xóm có thể đến ngồi với nhau, vừa làm vừa kể cho nhau nghe vài câu chuyện. Có nón là có tiền, rất ổn định đời sống”.

Tương tự như nghề làm nón lá làng Chuông, nghề sản xuất quạt giấy của Hợp tác xã Nông nghiệp Chàng Sơn, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một nguồn thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho mọi độ tuổi. Dù trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị như quạt điện và điều hòa, nghề làm quạt giấy vẫn giữ được giá trị, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Mỗi ngày, một người thợ trẻ tại làng có thể kiếm được từ 300.000 đến 400.000 đồng, trong khi người già từ 70-80 tuổi vẫn có thể tạo ra thu nhập từ 60.000 đến 100.000 đồng một ngày. Các em nhỏ từ tiểu học, sau giờ học, có thể tham gia vào công đoạn thêu thùa và kiếm được khoảng 20.000 đến 30.000 đồng. Điều này không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập mà còn tạo cơ hội cho thế hệ trẻ học hỏi và giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.

“Những lúc mất điện, mỗi ngày một gia đình có thể kiếm ra 1 000 000 đồng tiền khung quạt. Những ông thợ mộc không có điện thì không sản xuất được mộc, không làm được máy thì lại quay về cắt tre và chẻ tre, làm khung quạt với vợ với con, thế là lại tăng thu nhập”, bà Nguyễn Thị Tuấn, một nghệ nhân lâu năm tại làng cho biết.

Quạt Chàng Sơn có mức giá 30.000 đồng /chiếc quạt giấy, in 2 mặt thì 35.000 /chiếc. Tuy nhiên, giá thành vẫn linh động thay đổi tùy theo chất liệu và yêu cầu của khách. Hợp tác xã chỉ làm theo đơn đặt, không làm quạt chợ. Khách nước ngoài đặc biệt yêu thích những chiếc quạt giấy có họa tiết văn hóa Việt như tranh Đông Hồ, cờ Tổ quốc, trống đồng Đông Sơn,...

Thích nghi với thời đại

Dù đem lại thu nhập tuy nhiên thị trường Việt Nam luôn biến động mạnh mẽ trong thời đại 4.0 và xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, các làng nghề vẫn đối mặt với nguy cơ mai một. Điều này vẫn đặt ra thách thức trong việc duy trì và phát triển sản phẩm truyền thống, các làng nghề cần có những thay đổi trong hướng đi để thích ứng.

Trước những khó khăn này, UBND xã Phương Trung, huyện Thạch Thất có nghề làm nón nổi tiếng đã xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại địa phương và phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Bên cạnh đó, một số làng nghề tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục để khám phá và hiểu sâu hơn về làng nghề đã thu hút sự quan tâm của người trẻ như làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội),… Các hội chợ hàng OCOP, lễ hội mua sắm, festival nông sản cũng là dịp để các làng nghề xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu tên tuổi, sản phẩm của mình tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, các nghệ nhân ở làng nghề truyền thống vẫn kiên trì giữ nghề, góp phần gìn giữ một phần hồn cốt văn hóa dân tộc. Để thích nghi với thị trường, nhiều hộ sản xuất đã cải tiến mẫu mã, sáng tạo thêm các họa tiết mới, mở rộng dòng sản phẩm. Một số cơ sở kết hợp với các đơn vị du lịch tổ chức trải nghiệm làm sản phẩm thủ công cho khách tham quan, góp phần quảng bá nghề thủ công này. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp và sự thay đổi trong thói quen mua sắm, các nghệ nhân tại làng nghề còn chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki.

Nhờ đó, các làng nghề truyền thống đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, các làng nghề còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế, thích ứng tốt với cơ chế thị trường và phát triển bền vững.

Trịnh Ly

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/san-pham-truyen-thong-gop-suc-phat-trien-kinh-te-que-huong-162110.html
Zalo