Sửa quy định về xóa đăng ký quốc tịch tàu bay
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2015 của Chính phủ quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo là bổ sung các quy định liên quan tới thủ tục xóa đăng ký quốc tịch tàu bay theo đề nghị của người được chỉ định tại văn bản IDERA (là văn bản được ban hành theo quy định của Công ước Cape Town, trong đó chỉ rõ người có quyền yêu cầu xóa đăng ký hoặc xuất khẩu tàu bay).

Dự thảo Nghị định mới quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay bổ sung các quy định mới liên quan tới thủ tục xóa đăng ký quốc tịch tàu bay theo đề nghị của người được chỉ định tại văn bản IDERA (Ảnh minh họa).
Cụ thể, trường hợp văn bản IDERA đã được đăng ký theo quy định thì chỉ người được chỉ định tại văn bản IDERA có quyền đề nghị xóa đăng ký quốc tịch tàu bay.
Người đề nghị xóa đăng ký quốc tịch tàu bay gửi một bộ hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.
Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu nếu tờ khai xóa đăng ký quốc tịch tàu bay có thông tin về Quốc gia dự định xuất khẩu tàu bay đến. Đồng thời, thu hồi Giấy chứng nhận tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị xóa đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Theo Bộ Xây dựng, những quy định sửa đổi sẽ thuận lợi cho người được chỉ định tại văn bản IDERA trong quá trình giải quyết thủ tục xóa đăng ký quốc tịch tàu bay, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của CTC.
Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, AWG (Nhóm công tác hàng không - một tổ chức pháp lý phi lợi nhuận, quy tụ các nhà sản xuất hàng không hàng đầu, các công ty cho thuê và tổ chức tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển chính sách, pháp luật và quy định hỗ trợ cho hoạt động tài trợ và cho thuê hàng không quốc tế tiên tiến) liên tục gửi thư khuyến cáo về việc áp dụng CTC (Công ước và Nghị định thư Cape Town) của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài, AWG, các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế gồm 38 quốc gia thành viên) cũng đề xuất phía Việt Nam cần sửa đổi các quy định pháp luật để quá trình xuất khẩu tàu bay theo yêu cầu của chủ nợ có thể được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện theo đúng tinh thần của CTC.
Hiện nay, AWG đã đưa ra các khuyến nghị về quy trình xóa đăng ký quốc tịch và xuất khẩu tàu bay đối với Việt Nam.
Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2015 là cần thiết.
Điều này nhằm nhanh chóng khắc phục các khuyến cáo của AWG, nâng cao chỉ số tín nhiệm của Việt Nam, vì lợi ích của quốc gia nói chung và các doanh nghiệp trong cộng đồng hàng không trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi tiến hành mua/thuê tàu bay từ các nhà sản xuất tàu bay như Boeing, Airbus,
Cùng đó, góp phần tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam, có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí kinh doanh.