Sản phẩm hóa dược sẽ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc quy định về 'sản phẩm hóa dược' trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) là cần thiết, nhằm làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Hóa chất đối với các hóa chất phục vụ sản xuất dược.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 8/5, báo cáo trước Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội cho biết, về lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 8), có ý kiến đề nghị xem xét, rà soát lại, nghiên cứu bỏ quy định ưu đãi đối với “hóa dược là nguyên liệu” để tránh chồng chéo với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau: Theo nội dung Tờ trình số 371/TTr-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ, lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm sản xuất sản phẩm hóa dược và được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư. Để tránh chồng chéo với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược theo quy định tại Luật Dược, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý khái niệm “sản phẩm hóa dược” cho phù hợp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để bảo đảm không chồng chéo với khái niệm “dược” là thuốc và nguyên liệu làm thuốc, khoản 10 Điều 2 dự thảo Luật đã chỉnh lý như sau: “Sản phẩm hóa dược là hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu làm thuốc và nguyên liệu làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được tạo ra từ quá trình hóa học, quá trình chiết xuất hợp chất thiên nhiên, quá trình công nghệ sinh học”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8, dự án về sản phẩm hóa dược sẽ là đối tượng được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt.

Ông Huy phân tích: Việc quy định về “sản phẩm hóa dược” trong dự thảo Luật Hóa chất là cần thiết, nhằm làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Hóa chất đối với các hóa chất phục vụ sản xuất dược; phân biệt ranh giới với đối tượng quản lý của Luật Dược (dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc) và tạo cơ sở pháp lý để quản lý, kiểm soát và khuyến khích đầu tư phát triển các dự án hóa chất có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, phục vụ ngành dược; “sản phẩm hóa dược” là đối tượng đặc thù trong hoạt động hóa chất, có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất dược phẩm (gồm nguyên liệu làm thuốc và nguyên liệu làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe) và phân biệt với “dược” (là đối tượng điều chỉnh trong Luật Dược, gồm thuốc và nguyên liệu làm thuốc).

Theo ông Huy, có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá lại căn cứ, tính khả thi của quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất để bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn vệ sinh lao động; rà soát Luật Bảo vệ môi trường để tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và ứng phó sự cố môi trường.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Việc xây dựng, thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 đã góp phần tăng cường năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các lực lượng, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố và giảm thiểu hậu quả của các sự cố hóa chất. Các quy định của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Về phương án lồng ghép, tích hợp Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, việc lồng ghép, tích hợp này sẽ khó khăn do có một số sự khác nhau giữa hai kế hoạch.

Cụ thể, về đối tượng: Theo pháp luật về bảo vệ môi trường, tất cả chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Trong khi đó, theo dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), chỉ có chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng mới phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Như vậy, việc tích hợp 2 loại kế hoạch nêu trên (nếu có) chỉ áp dụng đối với chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng.

Về phạm vi: Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường là rất lớn, có thể rộng hơn phạm vi của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Trên thực tế, tại các cơ sở hoạt động hóa chất có thể xảy ra sự cố môi trường mà không bắt nguồn từ sự cố hóa chất. Ví dụ như sự cố vỡ đập bãi xỉ thải của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem. Do đó, khi tích hợp 2 loại kế hoạch nêu trên, cơ quan chuyên môn về hóa chất sẽ phải tiến hành thẩm định các nội dung về ứng phó sự cố môi trường là chưa thực sự phù hợp và có thể làm hạn chế chất lượng thẩm định.

Về yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật: Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đòi hỏi các biện pháp kỹ thuật, chuyên môn sâu về hóa học, kỹ thuật hóa chất, quản lý chất thải nguy hại và bảo vệ an toàn lao động khi xử lý các sự cố liên quan đến hóa chất. Trong khi đó, để thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đòi hỏi kiến thức, kỹ năng không chỉ liên quan đến hóa chất mà còn trong các lĩnh vực khác như khôi phục hệ sinh thái, xử lý ô nhiễm môi trường, xem xét các tác động khác như tiếng ồn, khí thải và phân tích tác động lâu dài đối với môi trường.

“Việc tích hợp hoặc lồng ghép giữa hai kế hoạch này có thể dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chi tiết, chuyên môn sâu của từng kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng công tác ứng phó và phòng ngừa. Với phân tích nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật”, ông Huy giải trình.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-pham-hoa-duoc-se-duoc-huong-uu-dai-va-ho-tro-dac-biet-10305344.html
Zalo