Sản phẩm giảm cân DJ Ngân 98 quảng bá bị nghi chứa chất cấm: Cần kiểm định và xử lý nghiêm nếu có vi phạm

Nếu sản phẩm chứa chất cấm hoặc quảng cáo sai sự thật, các cá nhân và tổ chức liên quan có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc bồi thường theo các quy định pháp luật. Vụ việc là lời cảnh báo về trách nhiệm đạo đức và pháp lý của người nổi tiếng khi quảng bá sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Liên quan đến sản phẩm giảm cân của DJ Ngân 98 quảng bá bị nghi chứa chất cấm, với tư cách là Luật sư Hoàng Văn Hà - Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội chia sẻ quan điểm pháp lý xoay quanh vụ việc này như sau:

1. Kiểm định chất lượng sản phẩm.

Việc xác minh, kiểm định chất lượng sản phẩm là hoàn toàn cần thiết và cấp bách, đặc biệt khi có căn cứ nghi vấn sản phẩm chứa Sibutramine – chất từng bị Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo là nguy hiểm cho hệ tim mạch, thần kinh và đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm tại Việt Nam.

Nếu sản phẩm thật sự chứa chất cấm, việc lưu hành ra thị trường và quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội không chỉ là nguy cơ sức khỏe cộng đồng, mà còn có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.

2. Trách nhiệm pháp lý của cá nhân và tổ chức liên quan

Nếu kết quả kiểm nghiệm xác định sản phẩm có chứa chất cấm, hoặc có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, các bên liên quan (bao gồm cá nhân quảng bá, đơn vị sản xuất, phân phối...) có thể phải chịu trách nhiệm theo các quy định pháp luật:

Luật An toàn thực phẩm nghiêm cấm sử dụng chất cấm trong thực phẩm. Vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Quảng cáo đều quy định rõ: Nghiêm cấm hành vi quảng cáo gian dối, gây hiểu lầm về công dụng sản phẩm. Các bên vi phạm sẽ bị xử phạt, buộc bồi thường và phải cải chính thông tin sai lệch.

Bộ luật Hình sự cũng quy định: Nếu hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm chứa chất cấm hoặc quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, cá nhân/tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” (Điều 193). Mức hình phạt có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người tiêu dùng và cơ quan quản lý cần làm gì?

Người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm giảm cân, nhất là những sản phẩm được quảng bá “có cánh” trên mạng xã hội, đặc biệt là những sản phẩm được quảng bá với công dụng "thần kỳ". Cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, thành phần và chỉ mua hàng từ nhà phân phối có uy tín.

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm định, xử lý nghiêm các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là những loại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân. Cần thiết lập quy trình kiểm soát hiệu quả nội dung quảng cáo trên mạng xã hội – nơi đang bị nhiều cá nhân và doanh nghiệp lạm dụng.

Luật sư Hà cho biết thêm việc kiểm định chất lượng sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng bá là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Kết quả kiểm định sẽ là căn cứ quan trọng để xử lý vi phạm (nếu có), đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Vụ việc này cũng là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm đạo đức và pháp lý của những người có sức ảnh hưởng – như người nổi tiếng, KOLs – khi quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/san-pham-giam-can-dj-ngan-98-quang-ba-bi-nghi-chua-chat-cam-can-kiem-dinh-va-xu-ly-nghiem-neu-co-vi-pham-16367.html
Zalo