Sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao trong tháng 1/2025

Nền sản xuất công nghiệp có sự phục hồi lạc quan trong tháng đầu năm 2025, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực.

Sức bật từ công nghiệp chủ lực

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 1, điểm sáng của bức tranh sản xuất cả nước là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 9,2% so với tháng trước, song vẫn tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm tới 6,8%).

Khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp chủ lực. Ảnh: Cấn Dũng

Khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp chủ lực. Ảnh: Cấn Dũng

Đặc biệt, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%...

Bên cạnh đó, một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; dệt tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,1%...

Báo cáo của Bộ Công Thương ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như ô tô tăng 60,7%; tivi tăng 50,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 9,6%; sữa tươi tăng 7,3%; sữa bột tăng 5,7%; quần áo mặc thường tăng 5,0%.

Đánh giá về sản xuất công nghiệp tháng 1/2025, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, đối với ngành công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh như: Dệt may, da giày, thép, điện tử, chế biến thực phẩm…, đã phản ánh được sự phục hồi nhanh, điều đó cho thấy những lĩnh vực đầu vào cho sản xuất-kinh doanh đang phục hồi mạnh.

Đặc biệt, một trong những điểm sáng tích cực đối với ngành công nghiệp trong tháng 1 chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 87% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 99,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những tín hiệu lạc quan đối với phát triển ngành công nghiệp trong nước.

Các lĩnh vực này sẽ tạo đà rất tốt cho các tháng tiếp theo về tăng trưởng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo vẫn là động lực phát triển của nền kinh tế”- lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.

47 địa phương ghi nhận sự tăng trưởng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước.

Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: Nam Định tăng 29,9%; Bắc Kạn tăng 28,5%; Bến Tre tăng 24,2%; Bình Phước tăng 17,0%; Kiên Giang tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 16,3%.

Bên cạnh đó, địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Trà Vinh tăng 56,0%; Khánh Hòa tăng 30,8%; Bình Thuận tăng 20,6%; Đắk Lắk tăng 18,1%; Bắc Kạn tăng 14,8%...

Bên cạnh đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước giảm là: Cà Mau giảm 16,3%; Gia Lai giảm 13,2%; Hà Tĩnh giảm 10,4%; Hà Nội giảm 9,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 9,3%; Đà Nẵng giảm 8,9%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước giảm: Bạc Liêu giảm 23,8%; Gia Lai giảm 14,2%; Hà Tĩnh giảm 12,7%. Địa phương có ngành khai khoáng tháng 01/2025 so với năm trước giảm: Vĩnh Phúc giảm 62,0%; Gia Lai giảm 59,8%; Đà Nẵng giảm 50,9%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2025 là sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã cụ thể hóa được các giải pháp giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Đạt được kết quả này, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiệp hội, ngành hàng đã tích cực tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Theo Bộ Công Thương, để phát huy vai trò của Chính phủ đôn đốc, giám sát và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các bộ ngành, địa phương, thúc đẩy triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy cho đầu tư xã hội, đồng thời, góp phần kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi…), nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia nhằm sớm đưa những nguồn lực này vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế.

Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.

Quan trọng hơn, Bộ Công Thương lưu ý các đơn vị cần tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án, nhất là doanh nghiệp, dự án lớn trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm sáng tích cực đối với ngành công nghiệp trong tháng 01/2025 đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 87% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 99,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những tín hiệu lạc quan đối với phát triển ngành công nghiệp trong nước.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-pham-cong-nghiep-chu-luc-tang-cao-trong-thang-12025-374106.html
Zalo