San lấp trái phép đất nông nghiệp tại các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì):Nhiều sai phạm, cần xử lý nghiêm
Khi việc san lấp trái phép đất nông nghiệp tại nhiều xã ở huyện Thanh Trì tạm lắng xuống trong gần hết năm 2024 thì gần đây, trên địa bàn các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) lại 'nóng' lên việc hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị người dân chở phế thải về để san lấp và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng thành nhà xưởng, sân tập pickleball... Tình trạng này ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đòi hỏi cần phải xử lý nghiêm các vi phạm.
Tự ý san lấp đất nông nghiệp
![Đất nông nghiệp bên đường Đại Thanh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) bị san lấp trái phép.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51484020/77edd55ce6120f4c5603.jpg)
Đất nông nghiệp bên đường Đại Thanh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) bị san lấp trái phép.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới, tình trạng san lấp trái phép và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, biến các diện tích đất sau khi san gạt thành nhà xưởng, sân thể thao để kinh doanh trên địa bàn các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) diễn ra từ nhiều năm nay. Đơn cử, vào thời điểm từ năm 2000 đến 2022, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã ồ ạt chở đất, cát về san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp dọc theo sông Hòa Bình để dựng nhà xưởng và các công trình kiên cố...
Để ngăn chặn việc lấp ruộng, ao hồ trái phép và cũng để tránh tình trạng đất đai bị sử dụng sai mục đích, chính quyền địa phương đã phải lắp đặt camera giám sát tại một số vị trí trên các tuyến đường. Thế nhưng, chặn được chỗ này, lại phình ra chỗ khác. Ví dụ, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp công ích, trước đây chính quyền giao cho người dân nuôi trồng thủy, hải sản nằm trên đường Đại Thanh, đoạn đi qua địa bàn các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh mới đây đã bị phế thải phủ kín. Theo phản ánh của người dân khu vực, gần đây, tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp tại hai địa phương này diễn ra rầm rộ. Đặc biệt, từ cuối năm 2024, nhiều diện tích sau khi được san gạt, lập tức được đổ bê tông, biến thành kho bãi, sân tập thể thao có kinh doanh… Để tiện cho việc kinh doanh, các chủ bãi ở đây còn tự ý quây tôn, dựng lều lán quanh khu đất vi phạm.
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Xuân Thọ, các trường hợp vi phạm là hộ gia đình các ông Đỗ Quang Huy, Trần Hoài Nam, Nguyễn Ngọc Dân và bà Nguyễn Thị Quyên, Bùi Như Ý (người trực tiếp vi phạm là Nguyễn Văn Thao)… Tại thời điểm phát hiện các hộ dân trên có hành vi san lấp trái phép đất nông nghiệp, UBND xã đã lập hồ sơ vi phạm và yêu cầu khắc phục. Thế nhưng, phần lớn các hộ đều không chấp hành, trái lại còn lén lút, lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ để tái diễn hành vi san lấp trái phép.
Cần sớm khắc phục
Ngày 14-2-2025, có mặt ở đường Đại Thanh (huyện Thanh Trì), phóng viên nhận thấy mới chỉ có vài khu đất được người vi phạm tự ý tháo rào tôn và dừng hoạt động kinh doanh trên đất. Còn lại hàng nghìn mét vuông mặt nước sau khi bị san lấp vẫn tồn tại, chưa được khắc phục, trả về nguyên trạng ban đầu.
Theo Phó Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Trì Lê Đức Việt, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, UBND huyện Thanh Trì đã có Văn bản số 2293/UBND-TNMT chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm. Cùng với đó, UBND huyện giao Công an huyện chỉ đạo công an các xã lập chốt kiểm soát tình hình xe ra vào, không để tình trạng san lấp, đổ thải, vi phạm trật tự xây dựng tái diễn. Ngày 30-11-2024, UBND huyện Thanh Trì tiếp tục có Thông báo số 535/TB-UBND yêu cầu chính quyền các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh tạm dừng hợp đồng hoạt động của các chủ đầu tư để khắc phục hậu quả. "Qua kiểm tra, rà soát, đến thời điểm này, tổ công tác của huyện Thanh Trì đã phối hợp với chính quyền các địa phương thiết lập hồ sơ xử lý đối với 10 trường hợp vi phạm. Ngoài 2 trường hợp phải tổ chức cưỡng chế, 8 trường hợp còn lại đã tự tháo dỡ công trình vi phạm và ký cam kết không tái phạm", ông Lê Đức Việt cho biết thêm.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong khẳng định, việc để phát sinh và chậm xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp công ích, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền địa phương. Sở dĩ chính quyền không cưỡng chế, yêu cầu người vi phạm phải trả lại hiện trạng đất như ban đầu là bởi hầu hết các hộ sau khi dỡ rào tôn đã trồng cây trên phần đất san lấp (sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích) và cam kết không tái diễn việc xây dựng, kinh doanh không đúng mục đích trên phần diện tích đất nông nghiệp được giao.
Từ nội dung trên, có thể nhận thấy, việc phát sinh vi phạm đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã Đại Áng và Vĩnh Quỳnh là do chính quyền các xã đã buông lỏng công tác quản lý. Để tránh tình trạng đất nông nghiệp bị san lấp, sử dụng sai mục đích, có thể là tiền lệ xấu cho các vi phạm khác phát sinh sau này, đề nghị UBND huyện Thanh Trì cần duy trì công tác kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.