Sân khấu và 'vòng an toàn'

Nhiều đơn vị sân khấu đang 'yên phận trong vòng an toàn' với những đề tài quá quen thuộc. Trong khi đó, những vở diễn đương đại lại thiếu vắng. Thời gian gần đây đã có dấu hiệu tích cực đến từ một số đơn vị khi đã có những vở diễn bám sát cuộc sống, nhưng vẫn còn quá ít.

Cảnh trong vở “Quan thanh tra”.

Cảnh trong vở “Quan thanh tra”.

Hấp dẫn khán giả nhờ đổi mới, sáng tạo

Vở kịch kinh điển “Quan thanh tra” của nhà văn Nga N.V.Gogol (thế kỷ 19) mới được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và ra mắt tối 3/10. Đây là vở hài kịch kinh điển, nhưng với góc nhìn mới, cách cắt nghĩa mới, phương thức biểu diễn mới, đạo diễn đã thổi vào đó một luồng sinh khí mới rất hiện đại, gần gũi, không bị Việt Nam hóa nhưng tạo cho khán giả thấy được dòng chảy chính của thời đại và xã hội.

Trước đó là vở “Bóng rối” cũng do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, đề cập đến vấn đề đồng tính. Đây là đề tài không mới. Nhưng tác giả Hoàng Hoa và đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh đã thoát khỏi lối kể chuyện cũ bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết, bằng âm thanh, ánh sáng… cho ra mắt một sản phẩm mới, mang tính thời sự cao.

Có thể nói, Nhà hát Kịch Việt Nam có nhiều tác phẩm đã phản ánh trúng những vấn đề xã hội đang thực sự quan tâm, lồng ghép quan điểm, chủ trương, đường lối nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, góp phần định hướng thẩm mỹ cho người xem như: Bão tố Trường Sơn; Thiên mệnh; Đêm trắng; Người tốt nhà số 5; Người đi dép cao su…

NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi làm việc dựa trên trí tuệ của tập thể để luôn có được những tác phẩm sân khấu mang hơi thở của cuộc sống, thu hút khán giả. Bằng nhiều mối quan hệ, tìm hiểu, tiếp xúc để chúng tôi tìm kịch bản phù hợp với phong cách Nhà hát. Sau đó sẽ đưa ra để lựa chọn và cân nhắc mời đạo diễn để phù hợp với kịch bản”.

Tuy nhiên ông Hiếu cũng cho biết, nguồn nhiều nhưng để có những kịch bản mang hơi thở thời đại lại rất khó.

Cảnh trong vở “Thiên mệnh”.

Cảnh trong vở “Thiên mệnh”.

Cần thoát khỏi “vòng an toàn”

Không chỉ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng được coi là đơn vị nghệ thuật đi đầu của Thủ đô trong sáng tạo nghệ thuật mang hơi thở của cuộc sống, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Nhưng đơn vị này cũng đang phải đối diện với việc thiếu kịch bản đề tài đương đại chất lượng cao.

Theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, để có những tác phẩm sân khấu mang hơi thở cuộc sống, trước mắt Hà Nội cần có kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực dài hơi. Hội đồng nghệ thuật cần có định hướng đào tạo và đặt hàng cho những kịch bản mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả. Bên cạnh đó, những người làm sân khấu cần được tạo cơ hội đi học tập ở các quốc gia có nền nghệ thuật phát triển để có thể lĩnh hội những tinh hoa cũng như xu hướng làm sân khấu của thế giới.

Còn nghệ sĩ NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, nguyên nhân thiếu vắng những vở diễn về thời kỳ đương đại mà khán giả đang quan tâm là do các đơn vị nghệ thuật cả công lập và ngoài công lập hiện nay đang giữ sự an toàn cho hoạt động của mình. Những vở diễn không đụng chạm đến vấn đề xã hội vì những vấn đề xã hội, mỗi người có nhận thức khác nhau, nhất là trong khi Hội đồng thẩm định các sở, Hội đồng thẩm định các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đánh giá cũng ngại. Vì họ giữ “an toàn” để giải quyết những vấn đề đời sống, sinh hoạt của các đơn vị ấy. Đây là những điểm mà các đơn vị nghệ thuật, các chỉ đạo nghệ thuật đều có suy nghĩ như vậy.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước có đề án tổ chức nhiều cuộc liên hoan, những cuộc thi tài năng trẻ… rồi các Hội cũng tổ chức không phải là ít. Như vậy cường độ sáng tác của các tác giả không đáp ứng được. Vì thế nhiều nhà hát cố gắng dàn dựng, tìm những vở cũ đem đi hội diễn nhằm mục đích để các nghệ sĩ có được huy chương, để phong danh hiệu. Vì vậy thời gian dàn dựng những vở mang hơi thở đời sống bị thiếu vắng. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước chưa có quy định bắt buộc để có những cuộc liên hoan về đề tài đương đại. Nếu có những cuộc tương tự thì khi đó các đơn vị nghệ thuật sẽ phải đi tìm, đặt hàng… đề tài hiện đại.

Vẫn theo ông Thọ, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo, Bộ VHTTDL hoặc các Hội VHNT hướng tới sáng tác, đề tài học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là điểm mà chúng ta phải hướng tới để tạo ra những tác phẩm lớn, có chất lượng giá trị nghệ thuật cao. Nhưng để đi được vào đời sống thì phải mạnh dạn hơn, sát sao hơn, cụ thể hơn. Cần tăng cường, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tác giả tổ chức đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để sáng tác nhiều kịch bản có chất lượng. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ tác giả bằng cơ chế đặc thù nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Những kịch bản có chất lượng, được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-khau-va-vong-an-toan-5741567.html
Zalo