Sàn giao dịch vàng quốc gia, nếu tái lập sẽ giúp điều tiết thị trường hiệu quả (Bài 4)

Trong bối cảnh thị trường vàng biến động mạnh, vai trò của doanh nghiệp kinh doanh vàng và yêu cầu về một chiến lược quản trị đồng bộ từ phía Chính phủ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp không chỉ là đơn vị kinh doanh mà còn phải gánh vác vai trò giữ ổn định thị trường.

Nhằm ghi nhận những góc nhìn từ thực tiễn, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tu Mi - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mi Hồng, một trong những thương hiệu vàng lâu năm, uy tín tại TP.HCM. Với hơn 35 năm gắn bó cùng nghề, ông Nguyễn Tu Mi cho rằng một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là Nhà nước nên sớm xem xét việc thành lập lại Sàn giao dịch vàng quốc gia, nhằm giúp thị trường vận hành minh bạch, lành mạnh và ổn định hơn trong dài hạn.

* Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về những biến động của thị trường vàng trong nước thời gian gần đây?

- Tôi cho rằng tình trạng thị trường vàng biến động mạnh trong thời gian qua là một dấu hiệu không tích cực, ảnh hưởng đến tất cả các bên, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng.

Khi giá vàng tăng giảm thất thường, vượt xa ngưỡng hợp lý, không chỉ gây rối loạn tâm lý xã hội, mà còn khiến việc điều hành chính sách tiền tệ gặp khó khăn, tác động trực tiếp đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Với người dân, nếu không có đủ thông tin chính xác, họ rất dễ rơi vào tình trạng mua vàng ở mức giá cao, rồi phải bán ra ở mức thấp khi có nhu cầu, đó là thiệt hại tài chính mà không phải ai cũng lường trước được.

Còn với doanh nghiệp như chúng tôi, mỗi đợt giá biến động lớn đều tạo ra áp lực không nhỏ. Doanh nghiệp bị đặt vào thế “kẹp giữa”, một bên là áp lực nguồn hàng, một bên là tâm lý người dân dễ bị tác động bởi tin đồn. Có những thời điểm, khách hàng đổ xô đi mua hoặc bán chỉ vì nghe thông tin lan truyền, khiến hoạt động giao dịch mất cân đối và doanh nghiệp cũng khó đáp ứng được nhu cầu một cách trọn vẹn.

Nếu tình trạng này không sớm được kiểm soát, tôi e rằng sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ về dài hạn, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, mà còn làm suy giảm niềm tin chung của thị trường và gây khó khăn cho công tác điều hành từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

* Trong điều kiện thị trường như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong việc góp phần ổn định thị trường vàng?

- Ngành vàng vốn dĩ là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Chỉ cần một thông tin chưa rõ ràng, hoặc lan truyền theo hướng tiêu cực, cũng có thể khiến giá vàng biến động mạnh, ảnh hưởng đến cả tâm lý xã hội lẫn hoạt động kinh doanh. Vì vậy, tôi cho rằng doanh nghiệp vàng không thể chỉ nhìn mọi việc dưới góc độ thương mại đơn thuần, mà còn phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ ổn định cho thị trường.

Trách nhiệm đó thể hiện trước hết ở việc tuân thủ pháp luật, minh bạch trong niêm yết giá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và đặc biệt là không găm hàng, không thổi giá. Khi thị trường trở nên “nóng”, việc doanh nghiệp giữ được sự bình tĩnh và rõ ràng trong cách ứng xử cũng chính là đang góp phần làm dịu lại tâm lý xã hội.

Bên cạnh đó, tôi tin rằng chữ tín trong kinh doanh vàng mới là yếu tố cốt lõi. Giữ được chữ tín là giữ được khách hàng, giữ được thương hiệu, điều đó còn giá trị hơn cả lợi nhuận ngắn hạn. Nếu mỗi doanh nghiệp trong ngành đều kiên định với điều này, tôi tin rằng thị trường vàng Việt Nam sẽ ngày càng ổn định, vững vàng và phát triển theo hướng lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tu Mi - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mi Hồng

Ông Nguyễn Tu Mi - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mi Hồng

* Để làm tốt vai trò bình ổn thị trường, theo ông, doanh nghiệp gặp phải những khó khăn, rủi ro gì? Và Công ty Mi Hồng hiện đang quản trị những yếu tố đó như thế nào?

- Chúng tôi luôn xác định rằng, trong ngành vàng, rủi ro có thể đến từ nhiều phía, từ biến động giá cả, yếu tố pháp lý, tài chính, cho đến vấn đề uy tín. Mà trong nghề này, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải luôn giữ cho mình sự chủ động, thận trọng và khả năng phản ứng linh hoạt trước mọi tình huống.

Tại Mi Hồng, chúng tôi kiểm soát hàng tồn kho rất sát sao, tách bạch dòng tiền một cách rõ ràng, và duy trì kiểm soát nội bộ định kỳ thường xuyên để đảm bảo mọi hoạt động tài chính luôn minh bạch và an toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư vào hệ thống phần mềm ERP để quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến bán hàng, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro trong quá trình vận hành.

Về mặt pháp lý và thuế, thay vì chỉ phản ứng khi có vấn đề phát sinh, chúng tôi đã chủ động hơn bằng cách hợp đồng với một đại lý thuế uy tín, đảm nhiệm vai trò như một bộ phận pháp chế độc lập trong công ty. Đơn vị này có nhiệm vụ cập nhật thường xuyên các chính sách, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến thuế và giao dịch tài chính.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay, doanh nghiệp không thể chỉ nghĩ đến hiệu quả kinh doanh, mà cần phải nâng cao năng lực quản trị nội bộ, cả về con người lẫn hệ thống. Chỉ khi kiểm soát tốt bên trong, thì doanh nghiệp mới có thể chủ động ứng phó với rủi ro bên ngoài, và từ đó góp phần giữ ổn định cho thị trường, điều mà tôi nghĩ, doanh nghiệp vàng nào có suy nghĩ về nghề nghiêm túc cũng đều ý thức rất rõ.

* Công ty Mi Hồng đã có những bước chuyển đổi số nào đáng chú ý trong thời gian qua, thưa ông?

- Chuyển đổi số là một trong những định hướng mà Mi Hồng bắt đầu từ khá sớm, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ mà còn để tăng tính minh bạch và mang lại sự thuận tiện cho khách hàng.

Chúng tôi đã triển khai website và ứng dụng Vàng Mi Hồng (App) trên điện thoại, giúp người dùng dễ dàng theo dõi thông tin thị trường và cập nhật giá vàng theo thời gian thực. Bên cạnh đó, các giải pháp như phần mềm quản lý hoạt động, thanh toán không tiền mặt và kết nối dữ liệu nội bộ cũng đã được áp dụng từ nhiều năm nay, nhằm đảm bảo vận hành trơn tru, kiểm soát rủi ro tốt hơn và tiết kiệm thời gian cho khách hàng trong quá trình giao dịch.

Sắp tới, chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư thêm vào nền tảng giao dịch trực tuyến, cho phép khách hàng thực hiện một số giao dịch cơ bản ngay trên môi trường số. Đồng thời, trong thời gian tới Mi Hồng cũng sẽ thử nghiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ chip NFC, đây là một hướng đi mới, nhằm tăng cường tính minh bạch và tạo sự an tâm cho khách hàng khi lựa chọn sản phẩm vàng trang sức, vàng nhẫn tại hệ thống của Mi Hồng.

Với chúng tôi, chuyển đổi số không phải là câu chuyện chạy theo xu hướng, mà là một hành trình dài hơi để nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực quản trị. Đây là việc mà chúng tôi xác định dù có khó khăn vẫn phải làm một cách nghiêm túc, bài bản và có chiều sâu.

* Theo ông, đâu là những chính sách cần thiết để thúc đẩy thị trường vàng phát triển minh bạch và ổn định hơn trong thời gian tới?

- Tôi nghĩ những đề xuất chính sách gần đây được nêu trên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và nhiều kênh truyền thông khác đều rất đáng lưu tâm. Riêng ở góc nhìn từ phía doanh nghiệp, tôi cho rằng có một vài điểm then chốt rất cần được xem xét một cách nghiêm túc và thực tế.

Trước hết là chính sách về cấp phép kinh doanh vàng miếng. Nếu được mở rộng một cách hợp lý, có chọn lọc và đi kèm với cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thì sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giảm bớt tình trạng độc quyền và từ đó kéo giá vàng trong nước tiệm cận hơn với giá thế giới.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc sớm thành lập lại Sàn giao dịch vàng quốc gia là rất cần thiết. Nếu có một sân chơi chính thống, được tổ chức và vận hành bài bản, thì giá vàng sẽ ít bị chi phối bởi tâm lý đám đông hay yếu tố đầu cơ. Người dân cũng sẽ có thêm một kênh giao dịch đáng tin cậy, thay vì phải ra quyết định dựa trên tin đồn.

Cuối cùng, một yếu tố rất quan trọng là số hóa toàn bộ dữ liệu giao dịch, kiểm định và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi có một nền tảng đồng bộ, minh bạch và được quản lý bằng công nghệ, việc theo dõi và điều tiết thị trường sẽ trở nên hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng thuận tiện hơn trong vận hành, còn người tiêu dùng thì yên tâm hơn rất nhiều khi quyết định mua bán.

Theo ông Tu Mi, việc sớm thành lập lại Sàn giao dịch vàng quốc gia là rất cần thiết

Theo ông Tu Mi, việc sớm thành lập lại Sàn giao dịch vàng quốc gia là rất cần thiết

* Ông có góc nhìn gì về thói quen người tiêu dùng hiện nay? Và họ có vai trò ra sao trong việc góp phần bình ổn thị trường vàng?

- Người Việt từ xưa đến nay vẫn có thói quen coi vàng là một kênh tích lũy an toàn. Điều này rất dễ hiểu, vì vàng đã gắn bó với đời sống của nhiều thế hệ, từ chuyện cưới hỏi, tích lũy cho tương lai, cho đến phòng ngừa rủi ro trong những lúc kinh tế biến động.

Tuy nhiên, trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh, nếu người tiêu dùng quá nhạy cảm với tin đồn hoặc bị cuốn theo tâm lý đám đông, thì rất dễ dẫn đến hành vi mua bán theo cảm tính. Điều này không chỉ khiến họ đối mặt với rủi ro tài chính, mà còn vô tình góp phần làm cho thị trường thêm bất ổn.

Tôi cho rằng người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ nhịp ổn định cho thị trường. Khi lựa chọn kỹ càng, theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống, và giao dịch tại những đơn vị uy tín, người mua vàng không chỉ tự bảo vệ được quyền lợi của mình, mà còn góp phần giúp thị trường vận hành minh bạch, trật tự và lành mạnh hơn. Vì vàng là mặt hàng có giá trị lớn, nên mỗi quyết định mua, bán đều ít nhiều ảnh hưởng đến cung, cầu chung của thị trường.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt phần việc của mình, minh bạch giá cả, tư vấn rõ ràng, phục vụ đàng hoàng và nhất quán. Nhưng để thị trường thực sự ổn định và bền vững, thì cần có sự đồng hành từ người tiêu dùng. Khi cả hai phía cùng tỉnh táo, cùng có thiện chí, thì ngay cả trong thời điểm biến động, thị trường vẫn có thể giữ được sự cân bằng cần thiết.

Bên cạnh yếu tố người tiêu dùng, tôi nghĩ vai trò của thông tin thị trường và sự điều phối từ cơ quan quản lý cũng rất quan trọng.

Thị trường vàng vốn rất nhạy cảm. Chỉ một dòng thông tin chưa được kiểm chứng cũng có thể làm cho thị trường rung lắc và khiến giá biến động mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Do đó, việc có một kênh thông tin chính thống, rõ ràng và kịp thời là rất cần thiết. Khi người dân được tiếp cận thông tin đúng và minh bạch, họ sẽ có cơ sở để đưa ra quyết định hợp lý, thay vì hành xử theo cảm tính hoặc tin đồn.

Cùng với đó, vai trò điều tiết của Nhà nước cũng cần được thể hiện một cách linh hoạt, chủ động hơn. Khi thị trường có dấu hiệu “quá nóng”, nếu có thông điệp rõ ràng, hướng dẫn chính thức hoặc cơ chế điều phối nguồn cung phù hợp, thì sẽ góp phần ổn định tâm lý xã hội và tránh được những hệ lụy không đáng có.

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều biến động, việc quản trị thị trường vàng một cách bài bản, nhất quán và hiện đại không chỉ góp phần bảo vệ an ninh tiền tệ, mà còn tạo nền tảng cho niềm tin của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.

Loạt bài chuyên đề về thị trường vàng không chỉ phản ánh thực trạng quản lý và vận hành thị trường vàng hiện nay, mà còn mong muốn mở ra các góc nhìn đa chiều từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia. Mục tiêu nhằm đồng hành cùng nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng một thị trường vàng minh bạch, ổn định và phát triển bền vững, đồng thời khuyến nghị các giải pháp cụ thể như hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ và đặc biệt là thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong thực thi trách nhiệm xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bài 1: Doanh nghiệp kinh doanh vàng với trách nhiệm ổn định thị trường

Bài 2: Chuyển đổi số để minh bạch hóa thị trường vàng

Bài 3: Chính phủ cần có chiến lược quản trị đồng bộ thị trường vàng

Anh Vĩnh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/san-giao-dich-vang-quoc-gia-neu-tai-lap-se-giup-dieu-tiet-thi-truong-hieu-qua-bai-4-317930.html
Zalo