Sấm - vị thần tối cao của người Ơ Đu
Trong tâm thức của người Ơ Đu, khi nào có tiếng sấm thì đó là thời điểm bước sang năm mới.

Cán bộ Hội LHPN xã Nga My (thứ 4 từ phải sang) cùng đội văn nghệ tại Lễ hội tiếng sấm đầu năm
Dân tộc Ơ Đu là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, hiện diện duy nhất trên địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An. Hiện nay, người Ơ Đu tập trung sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My với hơn 100 hộ, 420 nhân khẩu.
Với dân tộc Ơ Đu, Thần Sấm là một vị thần tối cao, biểu tượng cho sự linh thiêng. Với ý nghĩa cầu mong bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng dồi dào sức khỏe, Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm (theo tiếng Ơ Đu là "Chăm phtrong") mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng của dân tộc Ơ Đu. Người Ơ Đu có nhiều lễ hội trong năm nhưng Lễ Chăm phtrong là quan trọng nhất.
Thầy mo Lo Văn Cường, ở bản Văng Môn (xã Nga My), cho biết, người Ơ Đu sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, săn bắt và chăn nuôi. Ngày trước, đồng bào không có lịch, không có đồng hồ, họ tính thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên. Trong lễ Chăm phtrong, người Ơ Đu còn phong chức cho các già làng, thầy mo, đổi tên cho đàn ông trưởng thành, làm lễ tiễn linh hồn người chết, bỏ tang cho người góa bụa và đặt tên cho trẻ sinh trong năm.
Để cử hành nghi lễ, người dân phải chuẩn bị 2 mâm cỗ, 1 mâm cúng Thần Sấm và tổ tiên; 1 mâm để làm vía cho dân bản, tức nghi lễ buộc chỉ cổ tay để cầu mong ai cũng được mạnh khỏe, bình an trong năm mới.
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, cho biết, lễ Chăm phtrong là nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Ơ Đu, thể hiện tín ngưỡng dân gian độc đáo. Sau phần lễ là phần hội với màn trình diễn múa, hát, nhảy sạp, đánh chiêng, uống rượu cần… tất cả đều là nét đẹp văn hóa của cộng đồng Ơ Đu.
Những năm qua, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con dân tộc Ơ Đu ngày càng được nâng lên. Đồng bào cũng có ý thức gìn giữ phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chính quyền địa phương quan tâm, hàng năm đều có hướng dẫn bà con tổ chức Tết Chăm Phtrong. Các đoàn thể đều vào cuộc, trong đó, Hội LHPN xã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động chị em hội viên mặc trang phục truyền thống, tham gia các hoạt động tại lễ hội. "Tết Chăm Phtrong là lễ hội mang bản sắc văn hóa độc đáo của người Ơ Đu, cần được gìn giữ, phát huy trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho tộc người chỉ có ở Tương Dương này", Phó Chủ tịch UBND xã Vi Thị Mùi nhấn mạnh.