'Sầm Sơn sau đêm mưa' - Bài thơ đầy thi vị của Nhà thơ Hồng Vinh

Nhà thơ, Nhà báo Hồng Vinh là người có bút lực, có năng lượng viết dồi dào. Mỗi miền đất ông đi qua đều có thơ. Thơ nảy lên từ đất, từ nước. Thơ thả cùng gió và bay cùng những cơn mưa của trời. Và 'Sầm Sơn sau đêm mưa' vừa được đăng trên Báo Thanh Hóa ngày 25/8/2024 là một bài thơ đầy thi vị như vậy.

Sau cơn mưa đêm sấm sét xé trời

Đường thành phố Sầm Sơn sạch bóng

Những cây bàng song song với biển

Lá mượt mà ngời ngợi giữa trời xanh!

Bài thơ được mở đầu bằng một khung cảnh thiên nhiên thật đẹp đẽ và tráng lệ. Đó là hình ảnh cả thành phố Sầm Sơn vươn mình thức giấc sau một đêm mưa “sấm sét xé trời”. Thành phố bỗng trở nên “sạch bóng”, nguy nga, lấp lánh dưới ánh bình minh huy hoàng. Điểm nhấn đặc biệt của Thành phố là những cây bàng “song song với biển”, tán lá “mượt mà ngời ngợi”. Ở đây, Nhà thơ Hồng Vinh đã liên tiếp dùng những cặp từ láy đầy sức gợi đan cài, lồng xoắn trong câu thơ, tạo nhịp thơ chuyển động. Nếu từ “song song” mô tả thế chắc khỏe, vững chãi, hiên ngang của những cây bàng trước gió biển ào ào, thì “mượt mà ngời ngợi” lại cho thấy một sức sống mãnh liệt đang cuồn cuộn trào dâng từ rễ sâu lên thân, tỏa rộng tới cành rồi bật lên thành màu xanh mướt của muôn ngàn chiếc lá.

Em lại nhớ tán bàng vuông Trường Sa

Lá rung nhẹ giữa sóng gầm như thác

Một mình anh gác bên cột mốc

Nỗi nhớ đất liền như thủy triều lên...

Nước sông Mã hòa biển Sầm Sơn

Không hiểu có cuộn ra ngoài ấy

Em gửi tình em vào con sóng

Mong được quyện hòa điều thiêng liêng...

Hai khổ thơ tiếp đã thể hiện sự tài tình, khéo léo của Nhà thơ Hồng Vinh khi ông đã lấy hình tượng cây bàng làm “chiếc cầu nối” giữa biển và đất liền. “Lá rung nhẹ giữa sóng gầm như thác” thể hiện sự vững vàng, kiên định của cây bàng vuông ở Trường Sa. Tính chất đặc trưng này của cây bàng vuông ở Trường Sa cũng rất đồng điệu với cây bàng “song song với biển” ở Thành phố Sầm Sơn. Đây lại vừa hay là lý do vô cùng phù hợp để tác giả buông từ “nhớ” một cách rất tự nhiên trong câu thơ “Em lại nhớ tán bàng vuông Trường Sa”. Chính từ “nhớ” này đã khắc họa thành công hai nhân vật trữ tình trong bài thơ: “Anh” – cây bàng vuông ở Trường Sa và “Em” – cây bàng “song song với biển” ở Sầm Sơn. Em là cô gái thủy chung ở miền biển mặn mòi nắng gió. Anh là người lính dũng cảm, kiên trung làm nhiệm vụ thiêng liêng canh gác cột mốc biên cương ngoài biển xa, cũng là bảo vệ hòa bình cho đất nước, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của Em ở đất liền. Sự giao hòa càng trở nên sâu đậm bởi không chỉ Em nhớ mà Anh cũng nhớ. Hơn nữa, nỗi nhớ trong Anh còn dâng trào mạnh mẽ, mãnh liệt như “thủy triều lên”. Nỗi nhớ ấy dài rộng, lớn lao, thiêng liêng, đau đáu bởi Anh không chỉ nhớ Em mà còn nhớ quê hương, xứ sở, nhớ bao người thân yêu nơi quê nhà. Hiểu được điều ấy mà “nước sông Mã hòa biển Sầm Sơn”. Nếu nỗi nhớ của Anh gom hàng ngàn con sóng thành “thủy triều lên” thì nỗi nhớ trong Em như dòng sông Mã kết nối bao miền đất, cuồn cuộn chảy dài từ Điện Biên, Sơn La, qua Thanh Hóa rồi đổ về Biển Đông. Dòng sông ấy trường tồn, kiên cường, thủy chung, son sắt, tiếp cho Anh thêm sức mạnh để bảo vệ vững chắc những gì thiêng liêng, cao quý nhất.

Tết năm xưa, anh làm chuyện dị thường

Mang bánh chưng gói bằng lá bàng vuông

Từ Trường Sa về tận Sầm Sơn

Lũ trẻ hò reo, quây quần thưởng thức!...

Ở khổ thơ tiếp theo, Nhà thơ nhắc về kỷ niệm đáng nhớ ở một thời khắc đặc biệt là Tết. Đây chính là sự tinh tế của Nhà thơ Hồng Vinh. Bởi nhắc đến Tết là nhắc đến truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tết trở thành những ngày quan trọng, thiêng liêng nhất trong năm để mỗi gia đình sum họp. Điều đáng chú ý, cây bàng tiếp tục là “chiếc cầu nối” giữa biển và đất liền. Nhưng đến khổ thơ này, “chiếc cầu nối” ấy còn được Nhà thơ Hồng Vinh nâng lên là chiếc cầu nối truyền thống văn hóa. Lá bàng vuông được người lính sử dụng để gói bánh chưng thay lá dong, làm thành một thức quà mang đậm văn hóa dân tộc nhưng lại vô cùng đặc trưng của Trường Sa để gửi về đất liền. Trong khó khăn, gian khổ, bằng đức tính cần cù lao động, sức sáng tạo của mình, người lính đã lập nên thành quả mới. Những chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông “dị thường” mà lại phi thường, thơm ngon vị mặn mòi của biển, sâu sắc truyền thống văn hóa và thấm đượm tình cảm của những người lính dành cho hậu phương yêu dấu. Bởi vậy khi nhận được quà, lũ trẻ đã không giấu nổi niềm vui sướng hồn nhiên mà “hò reo, quây quần thưởng thức”.

Đêm qua, hầu như em thức trắng

Tim em đập liên hồi vì sấm sét

Cầu trời ngoài ấy bình yên

Anh vẫn vững tâm bên cột mốc chủ quyền!

Mong mùa đông qua nhanh

Được đón anh về phép Tết

Một ngày trôi đi, dài vô tận

Sao đêm sum vầy như cơn gió vút qua?!

Không chỉ tôn vinh tình cảm của người lính, bài thơ cũng ngợi ca tình cảm của người con gái hậu phương đã “thức trắng” đêm giông bão vì lo lắng và cầu nguyện sự bình an cho người lính “vững tâm bên cột mốc chủ quyền”. Người con gái ấy mong mỏi mùa đông dài qua nhanh để mau đến ngày người lính được về phép, quây quần bên bữa cơm ngày Tết sum vầy.

Thời gian vật đổi, sao dời

Song tình ta vẫn xanh như tán bàng xuân ấy

Thuyền chài em cứ lướt sóng tung bờm

Đều cập bờ mỗi sớm bình minh!

Giữ nỗi nhớ lâu bền như giữ lửa hồng

Bếp củi bập bùng đêm luộc bánh chưng

Khóm lá dong trước nhà, em tưới tắm sớm hôm

Và ruộng đậu xanh vụ này trĩu quả ...

Nắng mưa có tàn phai nhan sắc

Nhưng tình yêu anh rộng dài như biển

Em cảm nhận tâm hồn vẫn phơi phới hoa niên

Đón anh về trong nghĩa cả tình thâm...

Ba khổ cuối kết lại bài thơ thật đẹp và đầy hi vọng! Qua một đêm giông tố là những bình minh tươi sáng. Nhà thơ vững tin khẳng định tình cảm thiêng liêng giữa Anh và Em, giữa đảo xa và đất liền là bất tử, không khó khăn, thử thách nào có thể làm nhạt phai, như tán bàng mùa xuân mãi mãi xanh tươi. Cô gái hậu phương luôn thủy chung chờ đợi người lính hoàn thành tốt nghĩa vụ trở về. Cô đảm đang khuya sớm tưới khóm lá dong trước nhà, chăm sóc ruộng đậu xanh trĩu quả và giữ ấm ngọn lửa hồng để chờ tới đêm Giao thừa luộc bánh chưng xanh. Với tâm hồn “phơi phới hoa niên”, cô tin tưởng vào ngày sum họp ngập tràn hạnh phúc đang đến thật gần. Hẳn Nhà thơ Hồng Vinh đã có những xúc động dâng trào, đã dành một tình cảm rất đặc biệt cho biển đảo quê hương, cho đất và người Sầm Sơn, ông mới viết một bài thơ đầy thi vị như thế!

PHAN LIÊN

Hà Nội, ngày 26/8/2024

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/sam-son-sau-dem-mua-bai-tho-day-thi-vi-cua-nha-tho-hong-vinh-nbsp-32624.htm
Zalo