Sai phạm về thực phẩm chức năng: Cuộc chiến chưa có hồi kết
Với quy mô hàng tỷ USD, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang trở thành 'điểm nóng' của các hành vi gian lận thương mại, làm giả và quảng cáo sai sự thật. Không chỉ là vấn đề kinh tế, thực phẩm chức năng giả còn là mối đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt bằng chiến dịch kiểm tra, thanh tra và xử lý. Cuộc chiến này vẫn đang tiếp tục và ngày càng phức tạp.
Khi lợi nhuận che mờ đạo đức
Thực phẩm chức năng – vốn được hiểu là những sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe, bổ sung vi chất hoặc cải thiện chức năng cơ thể – đang bị biến tướng thành sản phẩm bị thổi phồng công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Từ những hộp kẹo giảm cân được quảng cáo là "thách thức mọi cơ địa" cho đến sản phẩm collagen được tiếp thị có thể "trẻ hóa tế bào", một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và cá nhân đã cố tình thổi phồng công dụng, đánh tráo khái niệm giữa thực phẩm và thuốc, giữa hỗ trợ điều trị và chữa bệnh.
Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm trong số đó không hề được cấp phép lưu hành, chưa được xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định của Bộ Y tế.
Vụ việc liên quan đến DJ Ngân 98 và cá nhân có biệt danh “Ngân Collagen” mới đây mang tính điển hình cho những thực trạng nói trên.
Cụ thể, sự việc bắt đầu khi một phụ nữ tên H., giấu mặt, ngỏ ý muốn đặt mua số lượng lớn thuốc giảm cân từ DJ Ngân 98. Sau khi nhận được sản phẩm được cho là của Ngân 98, người này đã mang đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong sản phẩm có chứa sibutramine - chất cấm từng được sử dụng trong điều trị béo phì.
Vụ việc được đẩy lên thành tâm điểm khi DJ Ngân 98 cho rằng H. có liên quan đến một người kinh doanh sản phẩm làm đẹp khác - Ngân Collagen. Giữa lúc hai bên đang tranh cãi, cơ quan chức năng vào cuộc.
Chưa đầy 4 ngày kể từ buổi gặp gỡ giữa hai bên, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã xác nhận việc tiến hành kiểm tra. Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn, đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra gấp hoạt động sản xuất, lưu hành 3 sản phẩm giảm cân gồm X1000, viên uống giảm cân X3 (Super Detox X3) và X7 Plus.
Không nằm ngoài vòng xoáy, các sản phẩm của Ngân Collagen cũng lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan chức năng. Cục An toàn thực phẩm tiếp tục mở rộng kiểm tra sang các sản phẩm khác do nữ doanh nhân này quảng bá như Trà hỗ trợ giảm cân N-Collagen, Kẹo táo thải mỡ bụng, N-Collagen Chanh Plus.
Trong thông báo mới nhất, Cục An toàn thực phẩm đã xác nhận: nhiều sản phẩm như "Kẹo táo thải mỡ bụng", "N-Collagen Chanh Plus", X3 hay X1000 đều không có hồ sơ công bố hoặc quảng cáo hợp lệ.
Nỗ lực siết chặt “ma trận” thực phẩm chức năng
Trước làn sóng vi phạm ngày càng phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai Tháng cao điểm chống hàng giả từ 15/5 đến 15/6/2025, chỉ đạo các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nhiều tỉnh, thành. UBND TP Hà Nội, TPHCM cùng nhiều địa phương khác cũng đồng loạt ra công văn yêu cầu kiểm tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc và mỹ phẩm. Nhiều trường hợp sai phạm đã bị đình chỉ hoạt động, xử phạt hành chính và yêu cầu thu hồi sản phẩm.
Tại hội thảo chuyên đề “Thuốc giả – Hệ lụy thật” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Đối với thuốc và thực phẩm chức năng giả, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phải xử lý nghiêm, cả người sản xuất lẫn người bao che, tiếp tay, để không còn kẽ hở cho gian lận tồn tại”.

Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội (ảnh TL)
Tuy nhiên, cuộc chiến này không đơn giản. Một trong những rào cản lớn là hệ thống kiểm nghiệm và hậu kiểm còn thiếu thốn cả về nhân lực lẫn trang thiết bị. TS Nguyễn Thị Trúc Vân, đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho biết có những đợt kiểm tra, chỉ riêng chi phí mua chất chuẩn để thử nghiệm sản phẩm đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra hàng bán qua sàn thương mại điện tử cũng gặp khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.
Cùng lúc đó, thủ đoạn làm giả sản phẩm ngày càng tinh vi. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, có đối tượng còn trộn lẫn thuốc thật và giả trong cùng một lô hàng, sử dụng vỏ hộp ghi nhãn nước ngoài để gây nhầm lẫn với hàng nhập khẩu chính hãng, thậm chí lập công ty "ma" tại nước ngoài để hợp thức hóa đường đi của hàng hóa giả.
Bên cạnh đó, tình trạng cố ý ghi không đúng tên gọi trên nhãn hàng hóa cũng gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo là "sữa" hoặc "thuốc" nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm lại là "thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "thực phẩm bổ sung" hay "sản phẩm dinh dưỡng công thức", hay phương thức "hàng xách tay" được lợi dụng để hợp thức hóa các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Theo ông Chu Quốc Thịnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, các hành vi quảng cáo sai lệch, không đúng bản chất sản phẩm đang gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng và làm méo mó thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe. “Chúng tôi kiên quyết yêu cầu thu hồi, xử phạt nghiêm các trường hợp sai phạm, đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương để giám sát sát sao từ khâu sản xuất đến phân phối” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cuộc chiến chống thuốc và thực phẩm chức năng giả không thể chỉ dựa vào biện pháp hành chính mà cần có sự kết hợp đồng bộ giữa ứng dụng công nghệ, truyền thông và nâng cao nhận thức xã hội.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, tại nhiều quốc gia phát triển, việc quản lý dược phẩm đã được số hóa toàn diện. “Chỉ cần một cú nhấp chuột, cơ quan quản lý có thể tra cứu đầy đủ nguồn gốc, thành phần, lô sản xuất của từng viên thuốc”, ông cho biết. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này mới chỉ ở giai đoạn triển khai ban đầu, còn thiếu đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả toàn diện.
Bên cạnh công nghệ, ông cho rằng truyền thông đóng vai trò không thể thiếu. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ từ thuốc và thực phẩm chức năng giả không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cần sự đồng hành từ các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thông. Khi người dân có đủ hiểu biết để phân biệt đúng – sai, thì các chiêu trò quảng cáo mập mờ, thổi phồng công dụng, nhất là từ người nổi tiếng, sẽ dần bị vô hiệu hóa.
Ông Nguyễn Xuân Tuyên cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục chung tay hành động quyết liệt hơn nữa. “Bộ Y tế cam kết tiếp tục đồng hành, tạo cơ chế thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả theo cách hiệu quả và bền vững nhất” – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.