Thực phẩm giả hồi chuông cảnh tỉnh về sức khỏe cộng đồng
Chưa bao giờ người tiêu dùng (NTD) lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ thực phẩm giả, kém chất lượng như hiện nay. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì niềm tin vào thị trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng sữa tại huyện Thạnh Hóa
Thực phẩm giả len lỏi vào thị trường
Sau khi cơ quan chức năng triệt phá hơn 500 nhãn hiệu sữa giả tại 11 công ty ở Hà Nội, chị H.T.N. (32 tuổi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) hoảng hốt khi nhận ra loại sữa mà con gái 3 tuổi của mình đang sử dụng có hình ảnh trùng khớp với các sản phẩm được xác định là sữa giả.
Ban đầu, chị nghĩ mình mua hàng có hóa đơn, nhãn mác rõ ràng nên chắc là hàng thật, thế nhưng khi đối chiếu với một hộp sữa mua tại cửa hàng chính hãng, chị nhận ra những điểm bất thường. “Tôi không ngờ suốt thời gian qua mình lại vô tình tiếp tay cho đường dây tiêu thụ sữa giả mà không hề hay biết” - chị N. lo lắng.
Chị N. thường mua sữa qua một cửa hàng trên mạng xã hội vì giá rẻ hơn thị trường từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng/hộp nếu mua với số lượng lớn. “Tôi cứ nghĩ đó là chương trình khuyến mãi nên tranh thủ mua nhiều để tiết kiệm. Giờ nghĩ đến việc con mình đã uống phải sữa không bảo đảm, tôi thực sự lo lắng” - chị N. chia sẻ.
Thời gian qua, hàng loạt thực phẩm chức năng bị phát hiện là hàng nhái, hàng kém chất lượng khiến NTD hoang mang. Điều đáng nói là các sản phẩm này thường được quảng cáo rầm rộ với công dụng “thần kỳ”, dễ dàng đánh vào tâm lý NTD. Trước thực trạng đó, để tự bảo vệ mình, thận trọng hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, không ít người đã từ bỏ thói quen “tiện đâu mua đó” hay “thấy rẻ là mua”.
Bà Võ Thu Ri (phường 1, TP.Tân An) chia sẻ: “Giờ thuốc, thực phẩm chức năng giả tràn lan nên có mua thì phải đến cửa hàng, nhà thuốc uy tín. Thà mua giá cao một chút nhưng an tâm, còn hơn "tiền mất, tật mang"”.

Bà Võ Thu Ri (TP.Tân An) xem lại sản phẩm mua tại một cửa hàng uy tín
Chống hàng giả - “cuộc chiến” không của riêng ai
Vấn nạn thực phẩm giả đang trở thành mối lo ngại lớn, diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Hàng giả không chỉ trà trộn vào các kênh bán lẻ truyền thống mà còn len lỏi trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã có những quy định cụ thể về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là thuốc giả nhưng vi phạm vẫn liên tục được phát hiện trên cả nước.
Gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt tạm giam về hành vi "lừa dối khách hàng" theo khoản 2, Điều 198 Bộ luật Hình sự. Người này được xác định có liên quan đến sản phẩm bổ sung kẹo Kera gây nhiều tranh cãi.
Những vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phức tạp và khó lường của vấn nạn hàng giả, cho thấy những quy định pháp luật nghiêm khắc hiện hành dường như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Tổ công tác cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Chúng tôi tập trung kiểm tra các sản phẩm có nhãn mác mập mờ, không có tem chống giả hoặc sử dụng tem bị làm giả tinh vi. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nhái có mẫu mã gần giống hàng thật đến mức rất khó phân biệt bằng mắt thường. Vì vậy, đoàn kiểm tra sẽ phối hợp bộ phận chuyên môn để lấy mẫu kiểm định, bảo đảm kết quả khách quan và chính xác” - Chánh Thanh tra Sở Công Thương - Nguyễn Thanh Vũ cho biết.
Với sự vào cuộc quyết liệt, ngày 24/5/2025, lực lượng chức năng tỉnh phát hiện gần 12.000 lon sữa bột nhiều nhãn hiệu: Z1000 Gold+, Sanaki Grow IQ Plus (Sun), Gold 1+,... tại một căn nhà ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa này.
Để “cuộc chiến” chống hàng giả đạt hiệu quả, không chỉ các cơ quan chức năng mà các cơ sở kinh doanh cũng cần nâng cao ý thức.
Dược sĩ Ngô Thông Minh - Quản lý Nhà thuốc Minh Lâm (TP.Tân An), chia sẻ: “Chúng tôi luôn đặt việc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm lên hàng đầu. Tất cả các mặt hàng trước khi đưa lên kệ đều phải có giấy chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, có hạn sử dụng rõ ràng. Bản thân người bán cũng cần được đào tạo để nhận biết các dấu hiệu của hàng giả”.
“Cuộc chiến” với hàng giả, hàng nhái không của riêng ai. Bên cạnh vai trò tiên phong của cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các cơ sở kinh doanh và ý thức chủ động của NTD chính là 3 “mũi giáp công” đẩy lùi thực phẩm giả ra khỏi đời sống xã hội, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và lành mạnh./.