Sài Gòn - TPHCM 50 năm trọn nghĩa vẹn tình: Phẩm chất nghĩa tình được kế thừa từ tinh thần yêu nước

“50 năm qua, chính sách của TPHCM dành cho người dân nói chung và người có công nói riêng đều đi đúng một hướng, đó là chăm lo tốt hơn, đầu tư đầy đủ hơn, và thành phố thật sự đã làm được điều đó. Trách nhiệm của thành phố trong thời gian tới là phải duy trì quyết tâm đó để đi xa hơn nữa, chăm lo tốt hơn nữa, đầy đủ và sâu sắc hơn nữa”, đồng chí TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo an sinh xã hội nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Làm việc nghĩa như thói quen, không tính toán

* PHÓNG VIÊN: Bên cạnh sự năng động, sáng tạo, TPHCM được biết đến là một thành phố nghĩa tình. Phẩm chất nghĩa tình đó được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí TRẦN THỊ DIỆU THÚY: TPHCM được ưu ái dùng hai chữ “nghĩa tình” có lẽ xuất phát từ việc ở bất cứ đâu tại thành phố này, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những việc nghĩa. Nghĩa tình của thành phố xuất phát từ chính lòng người dân với nhau, từ chị tiểu thương đến anh công nhân, từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn, rất lớn đều có các hoạt động tình nguyện chăm lo cho người dân.

Phẩm chất nghĩa tình đó đơn thuần giống như cuộc sống, trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của người dân, tạo thành làn sóng, lan tỏa đến từng hẻm nhỏ, từng cá nhân. Người dân thành phố làm việc nghĩa như một thói quen mà không tính toán thiệt hơn.

Phong trào xóa đói giảm nghèo được bình chọn là 1 trong 50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu giai đoạn 1975-2025 của TPHCM cũng vậy, bắt nguồn từ chính những việc làm cụ thể ở cơ sở, sau đó được lan tỏa thành phong trào mang ý nghĩa thiết thực của thành phố. Có thể nói, “nghĩa tình” là phẩm chất của người Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người của dân tộc đã kết tinh qua nhiều thế hệ. Phẩm chất tốt đẹp ấy đã lưu chảy trong máu và hơi thở của con người Nam bộ chân chất, nhân hậu, bao dung nhưng cũng rất mạnh mẽ, phóng khoáng và hào sảng.

 Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy thăm cán bộ, chiến sĩ, những người trực tiếp tham gia làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 tiêu biểu. Ảnh: NGÔ BÌNH

Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy thăm cán bộ, chiến sĩ, những người trực tiếp tham gia làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 tiêu biểu. Ảnh: NGÔ BÌNH

* Thành phố phát huy phẩm chất nghĩa tình đó như thế nào trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách và người có công?

* Trong tiến trình 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, TPHCM nhận thức rằng những thành quả đạt được ngày hôm nay là nhờ công lao của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, cùng sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Do đó, thành phố xác định thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của mình.

Cùng với thực hiện các chính sách của Trung ương, để đảm bảo người thuộc diện chính sách được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi và được chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, TPHCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương, để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình người có công. Thành phố luôn giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho 100% người có công và thân nhân. Hàng năm, ngày 27-7, Tết Nguyên đán, thành phố dành hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng và tổ chức các đoàn đến nhà thăm hỏi, trao quà các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để đảm bảo không còn người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở, thành phố đã xây mới, sửa chữa 335 căn nhà; ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công. Thành phố dự kiến dành hơn 178 tỷ đồng hỗ trợ chi quà tặng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

* Cùng với công tác đền ơn đáp nghĩa, hoạt động chăm lo an sinh xã hội được thành phố triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

* Chính sách chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội luôn được thành phố đặt lên trên hết, trước hết. Trong quá trình phát triển, các hoạt động an sinh xã hội luôn song hành cùng với hoạt động kinh tế, vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, thành phố ghi dấu ấn sâu đậm trong suốt chặng đường phát triển. Đặc biệt, chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) và phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát là những thành tựu nổi bật mà thành phố đạt được.

Đến cuối quý 1-2025, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021-2025. Đó là những kết quả nổi bật minh chứng cho quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố; thể hiện chất lượng cuộc sống người dân thành phố từng bước được nâng lên. Đây là món quà hết sức ý nghĩa dành tặng cho người dân nhân dịp 30-4 năm nay. Những kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực lớn lao mà còn cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và cộng đồng.

* Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò đồng hành của người dân, doanh nghiệp và các đoàn thể trong việc xây dựng một TPHCM nghĩa tình?

* Như tôi vừa chia sẻ, phẩm chất nghĩa tình, năng động, sáng tạo đã trở thành đặc trưng của tính cách, trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của người dân TPHCM. Nghĩa tình của TPHCM đã lan tỏa đều khắp đến từng khu phố, phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng cùng chung tay chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội.

Cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội đến người dân thành phố bằng cách này hay cách khác, dù ít hay nhiều, đều có thể đóng góp qua việc tham gia tình nguyện, đóng góp tài chính, hoặc đơn giản là chia sẻ yêu thương. Sự kết hợp hài hòa đó tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, giúp xây dựng một thành phố nhân ái, công bằng và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước

* Trong những thời khắc khó khăn, TPHCM luôn nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các địa phương trên cả nước. Thành phố đã và đang thể hiện sự tri ân, đền đáp nghĩa tình đó bằng những hành động cụ thể nào?

* Trong hành trình xây dựng và phát triển, TPHCM luôn có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, hỗ trợ của các địa phương. Đáp lại những ân tình đó, thành phố luôn thể hiện bằng những hành động thiết thực, từ đóng góp tài chính, chia sẻ nguồn lực đến hỗ trợ nhân đạo cần thiết, kịp thời ở mọi thời điểm. Điều này thể hiện rõ tinh thần “Cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước”, góp phần thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.

Với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, nhân dân thành phố luôn sẵn sàng sẻ cơm nhường áo; các cơ quan chức năng huy động và tập hợp nhanh nhất mọi nguồn lực trong nhân dân để hỗ trợ các tỉnh, thành phố gặp thiên tai, bão lũ. Điển hình như trong cơn bão số 3 vừa qua, TPHCM đã vận động ủng hộ gần 333 tỷ đồng, hơn 280 tấn hàng hóa các loại hỗ trợ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nhiều công trình dân sinh, hoạt động hướng về vùng biên giới, hải đảo cũng được TPHCM triển khai thực hiện.

* Thành phố tiếp tục có những chính sách, chương trình nào phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chăm lo các đối tượng yếu thế để xứng đáng là thành phố nghĩa tình trong giai đoạn mới?

* Có thể nói, trong 50 năm qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo an sinh xã hội. Tuy nhiên, thành phố biết rằng như thế vẫn là chưa đủ. Trong thời gian tới, thành phố phải tiếp tục quyết tâm, đồng lòng, cùng nhau chăm lo tốt hơn nữa, đầy đủ và sâu sắc hơn nữa.

Cụ thể, thành phố chú trọng quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người có công với cách mạng gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó là việc tiếp tục có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công cùng thân nhân người có công tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Cùng với đó là bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú; đồng thời, có thêm các chính sách chăm lo nhóm người cao tuổi, người thuộc diện bảo trợ xã hội…

Theo đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, trong 50 năm qua, TPHCM không ngừng phát triển toàn diện, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước. Trong hành trình ấy, thành phố luôn tiên phong trong việc triển khai các cơ chế, chính sách giúp huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng thực hiện phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người.

Đặc biệt là việc từng bước củng cố và phát triển toàn diện từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện. Thành phố cũng không ngừng mở rộng các chương trình khám, chữa bệnh miễn phí, bảo hiểm y tế cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ miễn học phí bậc phổ thông cho trẻ dưới 5 tuổi đến hết lớp 12.

Nhóm PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sai-gon-tphcm-50-nam-tron-nghia-ven-tinh-pham-chat-nghia-tinh-duoc-ke-thua-tu-tinh-than-yeu-nuoc-post792864.html
Zalo