Sài Gòn phải có 'quán cóc'

Sài Gòn - TPHCM sôi động có nhiều thứ thú vị, kỳ lạ, đặc biệt là mỗi người có thể có một góc nhìn khác nhau, nhưng với tôi, người con miền Bắc chỉ nhớ nhất những cái quán nhỏ mà người dân thường gọi là 'quán cóc'.

Trò chuyện với người dân thành phố thật cởi mở, họ không phân biệt giàu nghèo với người đối diện, thích gì nói đó, không “úp mở, khéo môi”, tôi vẫn quen miệng gọi thành phố này là Sài Gòn hơn.

Mới năm ngoái thôi, cuộc hành trình rong ruổi đến mấy ngôi quán khắp thành phố tưởng như mãi mãi với đôi chân không mỏi. Sau quãng đường rong ruổi, điểm dừng chân của tôi là một quán cà phê góc nhỏ quận 1.

Quả thật đối với tôi không thể ngờ, giữa trung tâm thành phố mà vẫn có những góc tĩnh lặng như thế này, nơi tâm trí con người bỗng thay đổi. Bao bon chen bỗng chìm đi, bao tính toán trôi theo làn gió. Đó chính là hàng cây xanh mát, màu xanh ấy nâng đỡ tâm hồn bằng vẻ đẹp dịu dàng, không hào nhoáng, xa hoa.

Tôi nhớ hoài cái quán nhỏ cạnh một gốc cây to. Gió thổi lá rơi xào xạc. Cái cây có lẽ không nhiều bằng tuổi của bà chủ, vậy nên nó chưa thể chứng kiến hết hỉ nộ ái ố một đời bán quán. Cái quán nhỏ của cái nghề bình thường mà lại đặc biệt, vì có thể nghe ngóng đủ chuyện trên trời dưới bể.

Điểm này thì giống quán nước ở miền Bắc, nhưng ở miền Bắc bán nước kiêm bán rượu. Lúc nào buồn mấy ông chồng rủ nhau mỗi tay dăm chén với tôm khô là đủ để bù khú. Còn quán vỉa hè ở TPHCM thì nhâm nhi ly cà phê nhìn trời, nhìn đất lúc khách ít, lúc khách đông thì vui vẻ tán nhau chuyện kinh tế, xã hội rồi thế giới, xong ai nấy về không “lê lết”.

Nói đến cà phê vỉa hè thì nhiều vô số kể, tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần ghé vào. Chỉ biết ở bên ly cà phê vỉa hè, một ông giám đốc giàu có cũng có thể ngồi ghế nhựa, ăn bánh mì cùng với bác xe ôm. Rồi mỗi người một ly cà phê phố, tâm sự dăm ba câu chuyện, sau đó lao vào dòng người tấp nập.

Sài Gòn - TPHCM vậy đó, ai cũng cảm thông cho nghề nghiệp của nhau, ngồi nói với nhau câu chuyện bông đùa. Người Sài Gòn coi đó là bình yên, dân tứ xứ đến cũng cảm nhận cách sống đó mà hòa nhập vui vẻ.

Không chỉ cà phê mà ăn uống vỉa hè cũng khác. Từ trung tâm tôi lang thang ra quận Tân Bình. Tấp vô cái quán nho nhỏ bán bánh chiên. Quán nhỏ đơn sơ mà tiếng cười tràn ngập. Nhìn bà má (gọi theo người dân ở đây tôn trọng bà như mẹ) rót nước liên hồi đố ai đoán được bà mới chỉ hơn sáu chục.

Thời gian khủng khiếp quá, đúng hơn là thời gian cho má lam lũ bươn chải mưu sinh. Bà má kể đi khắp nơi bán bánh rồi mới trở lại nơi đây mở quán nhỏ lúc tuổi xế chiều. Nhưng nhờ lúc nào má cũng tươi vui, hóm hỉnh, nói chuyện liên hồi, bà con xung quanh ghé ủng hộ suốt. Rồi thỉnh thoảng, má pha một ấm trà đặc biệt mời khách, bảo lần sau nhớ ghé lại. Gặp ai quen mặt má vui suốt ngày.

Có lần tôi ghé vô xe xôi mặn ở quận 3. Chỉ là chiếc xe đẩy bán xôi nóng hổi mà cũng là quán đó nghe. Ai ăn cũng tự hào ghê lắm, quảng cáo dữ lắm. Tôi nói vui: Cô nấu ngon quá làm người ta nghiện mất rồi. Cô bán xôi với mái tóc điểm sương mà vẫn nhí nhảnh hồn nhiên lắm.

Cũng dễ hiểu, bán cho học sinh mà, không tỏ ra trẻ thì sao bọn nó mua? Chân lý cả đấy, giúp cô trụ lại góc đường này cũng hơn chục năm rồi, nuôi hai đứa ăn học tử tế. Rồi sau này mong con nó thành đạt, không phải vất vả như ba má nó.

Còn quán cháo 5.000 đồng ở quận 4 nữa. Tự nhủ kiểu gì cũng phải ghé ăn ở đó mà mãi đến lần thứ ba mới có cháo để ăn. 5.000 đồng chẳng mua được gì, nhưng người lao động cũng mua được tô cháo ăn cho ấm lòng.

Sài Gòn bán buôn vậy đó. Nhiều tiệm sang chảnh nhưng rẻ mà ngon cũng có đó. Nhiều tiệm cháo hai thế hệ bán hơn 40 năm thành địa chỉ của thói quen và niềm nhớ của nhiều người.

Tình cảm của người dân miền Bắc đối với TPHCM như tôi từ những ngôi quán nhỏ như thế. Không chỉ là đồ ăn, thức uống mà cả một nền văn hóa, cái “chất” Sài Gòn cho tôi mở mang tầm mắt. Từ những câu chuyện về tứ xứ quê hương tới Sài Gòn lập nghiệp, đến các phong tục, tập quán của bà con miền Bắc, miền Tây sông nước, miền Đông, miền Trung, Tây nguyên…

Tất cả đều ghi dấu ấn trong lòng tôi. TPHCM thật đặc biệt, bình dị mà sâu sắc. Ngay cả hoạt động hàng ngày của bà con cũng có thể coi là nét văn hóa đặc sắc.

Đó chính là sự giao thoa về văn hóa, quả thật rất thú vị. Những kiến thức đó không dễ có được nếu chỉ đọc trên sách vở, mà cho dù có biết cũng không cảm nhận hết ý nghĩa của nó. Khi đặt chân đến TPHCM tôi mới thấu hiểu vì sao lại có một cảm xúc thú vị đến vậy.

Ai đó đã nói Sài Gòn đi dễ, về khó. Khó bởi nhớ nhung, cứ muốn nán lại. Sài Gòn xưa, TPHCM hôm nay tươi đẹp ngày càng phát triển, vẻ đẹp ấy ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn trong nước và quốc tế.

ĐINH THÀNH TRUNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/sai-gon-phai-co-quan-coc-post119839.html
Zalo