Sacombank (STB) bổ sung 2 tờ trình xin chia cổ tức và mua lại công ty chứng khoán vào đại hội cổ đông
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB - sàn HOSE) vừa bổ sung 2 tờ trình vào tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025 là chia cổ tức bằng cổ phiếu và mua lại công ty chứng khoán.

Theo Sacombank, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, HĐQT dự trình ĐHĐCĐ chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank. Nguồn vốn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024.
Theo tờ trình, sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, trong tài liệu Đại hội, Sacombank vẫn để ngỏ kế hoạch chia cổ tức. Sacombank cho biết, năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25,352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Như vậy, nếu được NHNN chấp thuận và kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2025 diễn ra thành công, đây sẽ là lần nhận cổ tức đầu tiên sau 10 năm chờ mòn mỏi của cổ đông Sacombank. Lần gần nhất, cổ đông Sacombank nhận cổ tức là vào tháng 10/2015. Tại ĐHCĐ các năm trước, người đứng đầu Sacombank cho biết, dù đã trình NHNN, song do Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa được chia cổ tức.
Bên cạnh bổ sung tờ trình xin ý kiến ĐHCĐ chia cổ tức, Sacombank còn bổ sung tờ trình góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán. Theo đánh giá của Sacombank, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán.
Do đó, với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh cho Sacombank, Ngân hàng trình ĐHĐCĐ chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của Sacombank. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ/cổ phần tại công ty chứng khoán trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh 2025 dự trình ĐHĐCĐ sắp tới vào ngày 25/04, HĐQT Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả 2024. Dự kiến đến cuối năm, tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm rồi.
Về công tác xử lý nợ xấu, năm qua Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.
Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025.
Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024 Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng để xử lý rủi ro (trong đó sử dụng rủi ro tín dụng là 756 tỷ đồng và xử lý trái phiếu VAMC là 1.305 tỷ đồng. Hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu STB tăng 4,9% lên mức 40.450 đồng/Cp, khối lượng khớp lệnh đạt 34,15 triệu đơn vị.