'Sách về biên giới 1979-1989 ra mắt, vai tôi nhẹ bớt đi'

Ba tác giả nghiên cứu lượng tài liệu đồ sộ và trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn hàng trăm nhân chứng để khắc họa chân dung cuộc chiến 10 năm bảo vệ 1.400 km biên giới phía Bắc.

SáchNhững mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắcra mắt cuối tháng 8/2024, là sự tri ân của ba tác giả Đào Thanh Huyền, Hà Hương, Phạm Hoài Thanh với những người lính chiến đấu bảo vệ biên giới.

Lượng lớn thông tin được trình bày trực quan qua biểu đồ, hình ảnh cùng "mảnh vụn từ hồi ức của những người trong cuộc", tất cả hợp thành một chân dung đa chiều về cuộc chiến 10 năm gìn giữ biên cương của quân và dân ta.

Chia sẻ với Tri thức - ZNews, chị Hà Hương - một trong ba tác giả - trải lòng về thôi thúc đưa họ lại với nhau để thực hiện cuốn sách, về kỷ niệm khó quên trên hành trình ghi lại tiếng nói của những người họ hàm ơn, hành trình đã giúp chính họ trưởng thành khi trả được "món nợ" lòng mình.

Sách Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc tái dựng bầu không khí 10 năm chiến đấu bảo vệ đất nước thông qua hàng loạt tư liệu, số liệu và câu chuyện của hàng trăm nhân chứng. Ảnh: NXB Trẻ.

Sách Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc tái dựng bầu không khí 10 năm chiến đấu bảo vệ đất nước thông qua hàng loạt tư liệu, số liệu và câu chuyện của hàng trăm nhân chứng. Ảnh: NXB Trẻ.

Lời hứa phải hoàn thành

- Cơ duyên nào đã đưa chị đến với hai tác giả Đào Thanh Huyền và Phạm Hoài Thanh, cùng quyết định thực hiện quyển sách này?

- Câu chuyện chắc phải bắt đầu hơi xa một chút. Vào năm 2014, sau khi viết về cuộc chiến ở biên giới Vị Xuyên, một đồng nghiệp là anh Trường Sơn báo Thanh Niên rủ tôi viết một cuốn sách về cuộc chiến này. Cũng chẳng có dự định gì cụ thể, chỉ là ý tưởng sau các chuyến đi cùng cựu chiến binh Vị Xuyên của hai anh em. Sau đó thì dự định không thành vì mỗi người một ngả, công việc và dự định cá nhân cứ cuốn nhau đi. Nhưng trong lòng vẫn có điều gì đó luôn thôi thúc và day dứt.

Có lẽ, mỗi năm lên Vị Xuyên, đốt hương cho các anh, nhìn những tàn tro bay về phía núi xanh thẳm, nơi xưa kia là chiến trường, tôi vẫn coi dự định mơ hồ ấy như một lời hứa phải hoàn thành. Nhưng có lẽ chưa đến duyên nên mỗi năm cứ mở tệp tài liệu ra, chụp thêm rất nhiều ảnh từ các kho lưu trữ rồi để đấy.

Tôi biết đến chị Huyền qua cuốn sách về Điện Biên Phủ và thật sự thích cách kể chuyện của chị. Một người bạn chung của cả hai cũng luôn nhắc đến chị Huyền và dự định của chị về chiến tranh biên giới phía Bắc.

Rồi một ngày đầu năm 2021, tôi nhắn cho chị Huyền về “món nợ” của tôi với những người lính biên giới. Rất nhanh sau đó, chị em gặp nhau lần đầu tại một quán cà phê ở Thảo Điền (quận 2, TP.HCM). Không ngờ, cuộc gặp ấy lại mang đến nhân duyên để cùng nhau làm cuốn sách và cho tôi thêm một người chị thương mến trong đời. Sau đó, chị Huyền giới thiệu anh Phạm Hoài Thanh - một trong những người đồng tác giả sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên 1954-2009với chị. Từ những ngày đầu tiên đó, chị Hoàng Anh, biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ cũng đã ở bên chúng tôi, hỗ trợ tìm kiếm tài liệu.

 Ba tác giả Phạm Hoài Thanh, Đào Thanh Huyền, Hà Hương cùng người dẫn đường, chị Trần Lệ Nam ở cầu Khánh Khê, Lạng Sơn hồi tháng 4/2023. Ảnh: NVCC.

Ba tác giả Phạm Hoài Thanh, Đào Thanh Huyền, Hà Hương cùng người dẫn đường, chị Trần Lệ Nam ở cầu Khánh Khê, Lạng Sơn hồi tháng 4/2023. Ảnh: NVCC.

- Quá trình tìm kiếm, gặp gỡ, phỏng vấn hàng trăm nhân vật, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với chị?

- Kỷ niệm đáng nhớ thì rất nhiều vì mỗi cựu chiến binh là một số phận, câu chuyện, và ký ức. Các chuyến đi của chúng tôi gặp nhiều ngắt quãng vì đại dịch Covid-19. Có lần tháng 7/2021, nhóm vừa đi “giỗ trận” ở Hà Giang xong, về giữa đường thì nghe tin Hà Nội có thể bị phong tỏa. Mấy anh chị em cứ lo ngay ngáy là không được về Hà Nội nữa. Chuyến đó tôi bay từ TP.HCM ra Hà Nội để đi Vị Xuyên, mang theo đúng ba bộ quần áo. Cuối cùng, mắc kẹt ở Hà Nội tận ba tháng, tới tháng 9 mới về lại TP.HCM.

Năm 2023, tôi và anh Phạm Hoài Thanh từ Hà Nội vào Biên Hòa và Bình Phước để phỏng vấn nhân chứng Vị Xuyên phía Nam. Anh Long, một người lính Vị Xuyên, lái xe từ Bình Dương về cửa ngõ TP.HCM đón chúng tôi đi Biên Hòa để gặp thủ trưởng của anh là cụ Nguyễn Nhớ. Hôm trước, anh bị trúng thực mà hôm sau vẫn ôm bụng lái xe đưa chúng tôi đi.

Tới khi xong việc ở Biên Hòa, tôi và anh Thanh quyết định đi xe đò lên Bình Phước vào buổi chiều. Tới chiều tối, xe đò thả hai anh em ở ngã ba Hớn Quản. Chúng tôi thuê xe ôm chạy qua bát ngát rừng cao su giữa chạng vạng tối. Anh xe ôm chở tôi còn đi lạc đường rồi lao cả người lẫn xe xuống mương nước tưới cây. Anh Thanh ngồi xe khác, đi được một đoạn ngoái lại không thấy bóng người. Thế mà tới nhà anh Xuân, một cựu binh Vị Xuyên, đã thấy 6-7 cựu chiến binh ngồi chờ.

Ghi chép lời kể của một số nhân chứng cuộc chiến, trích sách Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc. Ảnh: NXB Trẻ.

Ghi chép lời kể của một số nhân chứng cuộc chiến, trích sách Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc. Ảnh: NXB Trẻ.

- Trong những câu chuyện đã được nghe, câu chuyện nào khiến chị ám ảnh, day dứt?

- Tôi viết nhiều về người lính và chiến tranh. Dĩ nhiên, chuyện bị thương, cái chết, bom đạn lúc nào cũng có. Nhưng có những câu chuyện người lính biên giới kể lại như dòng suối mát lành để tôi nương vào lúc cảm xúc sa sút vì quá nhiều chuyện chết chóc.

Có những câu chuyện người lính biên giới kể lại như dòng suối mát lành để tôi nương vào lúc cảm xúc sa sút vì quá nhiều chuyện chết chóc... Cứ ngỡ những người lính suốt ngày ôm súng trên chốt đã dần chai sạn, nhưng thẳm sâu trong lòng họ vẫn là khao khát hòa bình.

Tác giả Hà Hương

Tôi nhớ cụ Nguyễn Nhớ, trung đoàn trưởng trung đoàn 881 ở Vị Xuyên, kể: “Cũng có những ngày bình yên, ví dụ mùa Đông, chuẩn bị Tết, trời lạnh, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ vợ, nhớ con. Có những ngày đêm, hai bên không có tiếng súng nào, im lìm. Sáng ra thấy mây trắng, nhìn Mặt trời lên, nhìn xuống từ 1509 (điểm cao thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang - PV) nằm trên đường biên giới và có đỉnh phân chia ranh giới giữa nước ta và Trung Quốc, lại thấy lòng khoan khoái, mong là không có cuộc chiến tranh”. Cụ và vợ cứ hai ngày viết một lá thư cho nhau. Tôi năn nỉ mãi mà vợ cụ không cho đọc thư (cười).

Hay anh Hạnh, cũng ở Biên Hòa, cứ kể với tôi về cây cầu ở Hà Giang mà anh gọi là “ranh giới của chiến tranh và hòa bình”. Những mảnh ký ức đẹp đẽ ấy giúp neo tôi lại giữa hàng trăm câu chuyện về thương vong và sự khốc liệt của chiến tranh. Nó như một khoảng xanh trong veo giữa một bầu trời u ám. Cứ ngỡ những người lính suốt ngày ôm súng trên chốt đã dần chai sạn, nhưng thẳm sâu trong lòng họ vẫn là khao khát hòa bình.

Viên gạch đầu để viết tiếp câu chuyện về biên giới

- Đâu là điều khó khăn nhất với nhóm tác giả trong quá trình thực hiện cuốn sách?

- Trong ba anh chị em tôi, mỗi người có cái khó của mình. Cái khó chung chắc là thiếu tiền vì chúng tôi không có nguồn tài trợ chính thức nào cả. Khi tiền túi hết thì một số bạn bè, người ít, người nhiều góp vào để chúng tôi tiếp tục các chuyến đi. Tôi nghĩ không chỉ mỗi mình tôi thấy nợ những người lính biên giới, mà rất nhiều bạn bè tôi cũng thấy nợ 10 năm biên giới một điều gì đó. Sự giúp đỡ vô tư của họ đã động viên chúng tôi rất nhiều trong những ngày tháng đó.

Suốt ba tháng đọc và biên tập, cứ nhắm mắt lại là tôi mơ về các trận đánh, tiếng súng váng cả óc, người bị kẹt lại ở chỗ trú ẩn trong vô vọng.

Tác giả Hà Hương

Với riêng tôi, khó khăn lớn nhất là giữ cân bằng khi hàng ngày đọc và nghe về cuộc chiến.

Mùa hè năm 2023, tôi dành ba tháng để đọc và biên tập bước một toàn bộ phần phỏng vấn. Là người phỏng vấn trực tiếp các nhân vật, tôi phải nghe lại ghi âm và bóc băng, sắp xếp câu chuyện theo đúng tuyến tính để các lần biên tập sau không bị nhầm. Suốt thời gian đó, tôi bấm giờ làm việc lúc 9h sáng và kết thúc lúc 5h chiều. Trừ khi có việc quan trọng, còn lại tôi không ra khỏi nhà và cũng hạn chế gặp gỡ mọi người để tránh bị xao lãng.

Cũng suốt ba tháng đó, cứ nhắm mắt lại là tôi mơ về các trận đánh, tiếng súng váng cả óc, người bị kẹt lại ở chỗ trú ẩn trong vô vọng. Khi ấy, tôi không nghĩ rằng ba tháng cuối cùng đó sẽ để lại nhiều di chứng mà phải mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng. Vì tôi luôn sợ, nếu tôi không dốc sức hơn cả 100% thì chúng tôi không thể hoàn thành được cuốn sách.

 Lời kể của y tá Hồ Nguyên Chánh, trích sách Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc. Ảnh: NXB Trẻ.

Lời kể của y tá Hồ Nguyên Chánh, trích sách Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc. Ảnh: NXB Trẻ.

- Chị kể mình biết được cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào năm 2012 và từ đó luôn thấy mình “mang một món nợ”. Viết cuốn sách này, chị có thấy mình trả được “món nợ” ấy chưa?

- Có lẽ, tôi đã trả được “món nợ” của mình. Mùa hè năm 2024 khi cuốn sách được xuất bản, lần đầu tiên tôi thấy vai mình “nhẹ” bớt đi. Nhưng đó là “món nợ” cá nhân của tôi thôi. Cuốn sách chỉ kể được một phần rất nhỏ bé của cuộc chiến kéo dài 10 năm mà chúng ta có rất ít thông tin. Tôi mong nó sẽ như một trong những viên gạch đầu tiên để những người viết khác tiếp tục kể câu chuyện biên giới phía Bắc một cách đầy đủ hơn.

- Chị có chia sẻ tiếc nuối trong lời mở đầu cuốn sách rằng các anh chị đã không có cơ hội gặp mặt và phỏng vấn một số nhân vật quan trọng - nhân chứng của hai mặt trận Hoàng Liên Sơn và Lai Châu, hay tất cả đơn vị chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên. Chị có nghĩ tới một cuốn sách tiếp theo với đầu đủ gương mặt đã trải qua “10 năm bi thương ở biên giới” không?

- Ngay trước khi cuốn sách chính thức phát hành, tôi, chị Huyền, anh Thanh, và chị Hoàng Anh đã nói về điều đó. Có lẽ, không phải là cuốn sách thứ hai mà là một bản đầy đủ hơn với phần bổ sung hai mặt trận và nhân chứng. Nhưng như bao dự án cá nhân mang tính tự phát khác, chúng tôi cũng có công việc và lại sống ở nhiều nơi khác nhau.

Nhưng tôi tin vào cơ duyên. Có thể hơi mê tín nhưng tôi luôn tin những người lính ngã xuống ở biên giới luôn phù hộ chúng tôi, để một ngày nào đó, chúng tôi hoàn thành được dự định của mình.

Tâm Anh

thực hiện

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-ve-bien-gioi-1979-1989-ra-mat-vai-toi-nhe-bot-di-post1531538.html
Zalo