Đề Ngữ văn: Tự lập không phải là sự thiếu thốn mà là tự tin và độc lập
Câu nghị luận xã hội đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 12 của một địa phương yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tính tự lập đối với thế hệ trẻ ngày nay được gợi ra từ câu nói 'Tự lập không phải là sự thiếu thốn, mà là sự tự tin và độc lập' (Norman Vincent Peale).

Gợi ý đáp án
I. Đọc hiểu một kiểu tình huống tâm lý trong tác phẩm Thạch Lam
Câu 1. Luận đề: Một kiểu tình huống tâm lí trong tác phẩm của Thạch Lam.
Câu 2. Thao tác nghị luận chính: bình luận.
Câu 3. Nhan đề "Một kiểu tình huống tâm lí trong tác phẩm Thạch Lam" hoàn toàn phù hợp với nội dung nghị luận của văn bản vì: Nhan đề đã khái quát được nội dung chính của văn bản.
Tất cả các nội dung của văn bản đều được trình bày hướng đến làm rõ đặc điểm của một kiểu tình huống tâm lí thường xuất hiện trong các truyện viết về những mẩu đời lam lũ của nhà văn Thạch Lam:
(1) Trước tiên, tác giả giải thích biểu hiện của kiểu tình huống ấy và cung cấp bằng chứng từ một số truyện ngắn của Thạch Lam như Nhà mẹ Lê, Một đời người, Cô hàng xén để giúp người đọc hiểu rõ hơn;
(2) Sau đó, tác giả đánh giá về ý nghĩa của kiểu tình huống tâm lí này trong việc gợi mở thế giới nội tâm chìm khuất, bình lặng của nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam.
Câu 4. Biện pháp tu từ: liệt kê (đường sinh sống, bị chó nhà giàu cắn, bị lên cơn sốt miên man). Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi bất hạnh riêng của gia đình mẹ Lê. Diễn tả rõ hơn về những khía cạnh khác nhau của nỗi bất hạnh riêng ấy, tạo ấn tượng mạnh về cảm xúc cho người đọc trước nỗi bất hạnh riêng chất chồng của nhân vật mẹ Lê. Tạo nhịp điệu cho câu văn, làm cho câu văn sinh động, hấp dẫn.
Câu 5. Quan điểm này có nghĩa là: quyền sống, quyền hạnh phúc là quyền cơ bản nhất của mỗi người, mỗi người cần cảm thấy hạnh phúc thì mới cảm nhận hết ý nghĩa tốt đẹp và tự nguyện "chịu thương, chịu khó, nhẫn nại, hi sinh" vì người khác. Học sinh bày tỏ được quan điểm của mình: đồng ý/ không đồng tình hoặc vừa đồng ý vừa không đồng ý.
II. Viết về chủ đề tự lập không phải là thiếu thốn mà là tự tin và độc lập
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong hai khổ thơ.
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
- Về nội dung: Hình ảnh người mẹ trong 2 khổ thơ: mẹ sống một đời nghèo khổ nhưng có đời sống tinh thần phong phú, cao đẹp; mẹ luôn có ý thức vun đắp, giữ gìn vẻ đẹp văn hóa dân tộc để làm đẹp tâm hồn con; mẹ tin tưởng vào truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc.
- Nghệ thuật: thể thơ tự do; giọng thơ nhẹ nhàng, trữ tình; hình ảnh thơ gần gũi, mang đậm văn hóa dân gian…
- Cảm nhận chung: người mẹ với những phẩm chất cao đẹp và đáng quý. Qua đó thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng.
Câu 2. Viết một bài văn nghị luận (600 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tính tự lập đối với thế hệ trẻ ngày nay.
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.
- Giải thích tính tự lập là gì? Tính tự lập là khả năng tự mình quản lý, giải quyết các công việc và vấn đề của bản thân mà không cần sự giúp đỡ hoặc phụ thuộc quá mức vào người khác. Người có tính tự lập biết tự chủ động trong cuộc sống, tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, và có khả năng đối mặt với những thử thách một cách độc lập. Đây là một đức tính cần có của mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ - thế hệ đang dần vươn mình để khẳng định năng lực của bản thân.
- Bàn luận: Từ góc nhìn của người trẻ: suy nghĩ về sức mạnh của tính tự lập đối với thế hệ trẻ
Tự lập giúp tuổi trẻ tự chủ và tự tin đối diện với những khó khăn hành trình trưởng thành.; động lực để phát triển và khám phá bản thân; mở ra cánh cửa đến tự do cá nhân và thành công lâu dài; giúp con người khẳng định được giá trị bản thân trong mắt mọi người; giúp con người suy nghĩ nhiều hơn, tự đánh thức tài năng ẩn dấu trong bản thân và từ đó khơi lên trí sáng tạo (Có bằng chứng phù hợp)
- Những việc cần làm để có tính tự lập: Con người phải chăm chỉ, cần cù, chịu khó rèn luyện,…
- Phản đề, mở rộng vấn đề: Tính tự lập không đồng nghĩa với việc từ chối mọi sự giúp đỡ từ người khác và bảo thủ. Cuộc sống ngày càng được nâng cao kéo theo đó là tình trạng người trẻ thiếu đi tính tự lập họ được bao bọc bởi gia đình và sống trong môi trường tiện nghi.