Sách Trắng 2025: Những ưu tiên chiến lược để Việt Nam kiên cường, cạnh tranh hơn
Sáng 11/4, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chính thức ra mắt Sách Trắng 2025 giới thiệu một khung sáng kiến liên ngành, xoay quanh 5 'ưu tiên chiến lược' cần được cải thiện nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Sách Trắng 2025 được công bố vào một thời điểm mang tính then chốt. Trước những thay đổi liên tục trong chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ và tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, Việt Nam - với nền kinh tế nặng về xuất khẩu - đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết. Dù phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thay đổi chiến lược đầu tư, nhu cầu về các cải cách mạnh mẽ nhằm củng cố niềm tin và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, chia sẻ, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam cần được đặt trên nền tảng vững chắc với những liên minh kinh tế dài hạn và cân bằng. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu - được đại diện bởi EuroCham - luôn là một đối tác ổn định, lấy các giá trị bền vững làm trọng tâm và cam kết đồng hành lâu dài cùng Việt Nam. Sách Trắng là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác này, với những giải pháp thực tiễn được xây dựng từ chính trải nghiệm và phản ánh của doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chính thức ra mắt Sách Trắng 2025.
Lần đầu tiên, Sách Trắng 2025 giới thiệu một khung sáng kiến liên ngành, xoay quanh 5 “ưu tiên chiến lược” – những lĩnh vực trọng tâm cần được cải thiện nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, các ưu tiên bao gồm: chính sách thị thực; thủ tục nhập cảnh và hạ tầng sân bay; giấy phép lao động; hoàn thuế VAT; và thủ tục hải quan.
Theo EuroCham đây là những điểm nghẽn mang tính hệ thống, từ lâu đã được cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nhận diện là rào cản trong quá trình vận hành và mở rộng đầu tư. Việc cải thiện các lĩnh vực này sẽ giúp cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính rườm rà, củng cố niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, 19 Tiểu ban ngành nghề của EuroCham đã đưa ra các khuyến nghị trọng tâm trong những lĩnh vực then chốt – từ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, tài chính xanh cho tới nông nghiệp bền vững và hạ tầng xe điện – với các đề xuất rõ ràng, được xây dựng dựa trên góc nhìn thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp thành viên, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động lẫn các tập đoàn đa quốc gia. Những đóng góp này cùng hướng tới một mục tiêu chung: kiến tạo một nền kinh tế Việt Nam năng động, hiện đại và sẵn sàng đón đầu các xu thế chuyển đổi toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier tái khẳng định cam kết lâu dài của châu Âu đối với thương mại tự do và công bằng: “Thương mại tự do và công bằng là một phần trong ADN của châu Âu – là nền tảng cho sự thịnh vượng và năng lực cạnh tranh của chúng tôi. EU quyết tâm hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam, để cùng ứng phó với thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu”.
Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert, nhận định: “Dù giai đoạn hiện tại đầy thách thức - với những biến động nhanh chóng và bất ổn toàn cầu ngày càng leo thang - nhưng đây cũng là thời cơ vàng để chuyển mình. Việt Nam có cơ hội để củng cố các thế mạnh cốt lõi, mở rộng những mối quan hệ thương mại bền vững và đáng tin cậy, đồng thời tận dụng hiệu quả mạng lưới các hiệp định thương mại tự do nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững”.