Sách giáo khoa điện tử được đánh giá là phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại
Việc sử dụng SGK điện tử không chỉ giúp HS học mọi lúc mọi nơi, mà còn giúp GV dễ dàng thiết kế bài giảng, kiểm tra đánh giá và cá nhân hóa hoạt động học tập.
.t1 { text-align: justify; }
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học ngày càng trở nên cần thiết.
Nắm bắt xu hướng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai nền tảng Hành Trang Số - hệ sinh thái học liệu điện tử với điểm nhấn là sách giáo khoa điện tử, tái hiện đầy đủ nội dung sách giấy và tích hợp nhiều tiện ích như video, bài tập tương tác, âm thanh, hình ảnh sinh động và tra cứu nhanh, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy - học hiện đại.
Sách điện tử giúp tăng hứng thú học tập cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và yêu cầu chuyển đổi số trong ngành giáo dục, sách giáo khoa điện tử đang dần trở thành một xu hướng được nhiều địa phương quan tâm, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã triển khai các bộ sách giáo khoa điện tử bên cạnh sách giấy truyền thống.

Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ, Quảng Nam). Ảnh: website nhà trường
Tuy nhiên, theo thầy Chương, việc áp dụng sách giáo khoa điện tử vào thực tiễn giảng dạy cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi - nơi điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế.
“Theo tôi, sách giáo khoa điện tử mang nhiều ưu điểm. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi mà không bị giới hạn bởi không gian lớp học. Việc sử dụng sách điện tử còn giúp giảm bớt gánh nặng mang vác sách vở cho học sinh, đồng thời cho phép cập nhật nội dung linh hoạt, tích hợp đa phương tiện như video, hình ảnh, nội dung tương tác… từ đó góp phần tăng hứng thú học tập và khả năng tiếp cận tri thức của người học.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử ở nhiều trường hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do học sinh chưa được phép sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học. Ngay cả khi được phép, việc kiểm soát sử dụng thiết bị của học sinh cũng gặp khó khăn, bởi các em chưa có đủ sự tự giác, dễ bị xao nhãng và mất tập trung khi tiếp xúc với thiết bị điện tử.
Chưa kể, nếu đưa sách điện tử vào lớp học mà không có hệ thống thiết bị đồng bộ và cơ chế quản lý phù hợp thì rất khó đảm bảo hiệu quả giáo dục. Hiện tại, nhà trường vẫn chủ yếu khai thác thư viện truyền thống với sách giấy là chính. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà trường có kế hoạch xây dựng thư viện số và phát triển mô hình trường học thông minh. Khi đó, việc tiếp cận và sử dụng sách giáo khoa điện tử sẽ trở nên khả thi hơn, đặc biệt trong các lớp học thực hành có trang bị đầy đủ thiết bị. Khi đó, sách điện tử có thể được sử dụng như tài liệu tham khảo trong thư viện hoặc hỗ trợ trong giảng dạy tích hợp công nghệ”, thầy Chương nêu quan điểm.

Giao diện sách giáo khoa điện tử môn Ngữ văn 10, tập một trên nền tảng Hành Trang Số. Ảnh chụp màn hình website
Cùng bàn vấn đề này, thầy Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, sách giáo khoa điện tử đang dần trở thành một giải pháp quan trọng được nhiều trường học quan tâm triển khai. Đây là một hình thức học liệu mới, mang đến nhiều tiện ích cho cả giáo viên lẫn học sinh trong quá trình dạy và học. Tuy nhiên, để việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử thực sự phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng rãi, các trường học vẫn cần đối mặt và tháo gỡ nhiều khó khăn cả về hạ tầng lẫn cách tổ chức thực hiện.
Theo thầy Hải, trước hết phải khẳng định sách giáo khoa điện tử đem lại nhiều lợi ích rõ rệt. Đối với giáo viên, việc giảng dạy sẽ trở nên sinh động và trực quan hơn khi có thể dễ dàng tiếp cận các tài nguyên số đi kèm như hình ảnh động, mô phỏng, bài tập tương tác… Giáo viên không chỉ bám sát nội dung trong sách mà còn có thể mở rộng thêm tư liệu phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học. Thay vì phải mất thời gian tìm kiếm các minh chứng từ nhiều nguồn khác nhau, sách giáo khoa điện tử tích hợp sẵn các công cụ giúp việc khai thác, tra cứu nhanh chóng và thuận tiện.
“Với học sinh, sách giáo khoa điện tử hỗ trợ rất tốt cho việc học tập chủ động và tự học. Các em có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, không bị phụ thuộc vào thời gian hay không gian lớp học. Bên cạnh đó, sách điện tử giúp giảm đáng kể khối lượng sách vở mang theo đến trường, đặc biệt là đối với học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Những nội dung đa phương tiện hấp dẫn trong sách giáo khoa điện tử cũng góp phần tăng tính hứng thú và khả năng tiếp thu bài học của học sinh.
Đòi hỏi các trường học phải có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, thiết bị
Để sách giáo khoa điện tử phát huy tối đa hiệu quả, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ, Quảng Nam) bày tỏ, trước mắt, việc triển khai sách giáo khoa điện tử nên thí điểm tại những trường có cơ sở vật chất tốt, có thư viện số, hệ thống máy tính, đường truyền Internet ổn định và đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa điện tử không nên chỉ dừng lại ở việc số hóa sách giấy, mà cần tận dụng công nghệ để làm phong phú thêm nội dung bài học, nâng cao khả năng tương tác và giúp học sinh chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình học tập.
“Tôi cho rằng, sách giáo khoa điện tử là xu hướng tất yếu trong tương lai, nhất là khi toàn ngành giáo dục đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các trường phải có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, thiết bị, đào tạo giáo viên cũng như thay đổi tư duy quản lý giáo dục. Do đó, mỗi trường cần xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của mình và của địa phương. Chỉ khi đó, sách giáo khoa điện tử mới thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, thầy Phan Văn Chương nhấn mạnh.

Bên trong sách giáo khoa điện tử môn Hóa học 11 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh chụp màn hình website
Đồng quan điểm trên, thầy Bùi Xuân Hải cho biết, bên cạnh những ưu điểm, thực tế triển khai sách giáo khoa điện tử tại trường học còn gặp khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất nằm ở hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù nhà trường có chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhưng việc triển khai đồng bộ sách giáo khoa điện tử đòi hỏi phải có thiết bị phù hợp, mạng Internet ổn định và không gian học tập được thiết kế hỗ trợ việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Hiện trường đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất, nhưng với sĩ số học sinh đông, việc đầu tư trang thiết bị đồng đều cho tất cả các lớp, tất cả học sinh là một thách thức lớn về kinh phí.
“Hiện một số lớp học đã bắt đầu triển khai thử nghiệm sách giáo khoa điện tử bằng cách sử dụng thiết bị của nhà trường hoặc sử dụng thiết bị cá nhân, chủ yếu là điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng thiết bị cá nhân trong lớp học để tránh ảnh hưởng đến kỷ luật học đường, đồng thời có sự phân định rõ tiết học nào sử dụng thiết bị, tiết học nào không được phép sử dụng trong giờ. Vì vậy, việc triển khai sách giáo khoa điện tử hiện vẫn ở quy mô nhỏ, mang tính thử nghiệm, chưa thể mở rộng toàn trường.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa điện tử cũng cần có thời gian để giáo viên làm quen với cách khai thác và sử dụng. Bởi không phải thầy cô nào cũng thành thạo công nghệ hay có đủ thời gian để nghiên cứu toàn bộ các tính năng của sách giáo khoa điện tử”, thầy Hải bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Võ Văn Nguyện - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế nhận định, sách giáo khoa điện tử đang dần trở thành một xu hướng được nhiều trường học ở các thành phố lớn nghiên cứu, thí điểm và từng bước triển khai trong giảng dạy. Tuy nhiên, tại nhà trường, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử hiện vẫn chưa được triển khai chính thức.
“Hiện nay nhà trường vẫn chủ yếu sử dụng sách giáo khoa bản giấy của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Việc ứng dụng sách điện tử trong giảng dạy mới dừng lại ở mức tham khảo, chưa đi vào thực tế do còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo chung của ngành cũng như kế hoạch cụ thể của các tổ chuyên môn trong trường.
Do nhà trường chưa triển khai sách giáo khoa điện tử nên chưa thể đưa ra đánh giá sâu sắc về mặt ưu, nhược điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một hướng đi mới, đáng được quan tâm và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai đại trà.
Về điều kiện cơ sở vật chất, trường cơ bản đã có thể đáp ứng nếu có chủ trương triển khai. Các phòng học hiện nay được trang bị thiết bị tương đối đầy đủ như máy chiếu, tivi thông minh, máy tính kết nối mạng... đủ để giáo viên và học sinh có thể sử dụng các tài liệu điện tử hỗ trợ dạy học. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả, nhà trường vẫn cần tập huấn thêm cho giáo viên về kỹ năng sử dụng công nghệ, đồng thời cần có sự thống nhất về nội dung, chương trình và hướng dẫn sử dụng cụ thể từ phía các cơ quan chuyên môn”, thầy Nguyện thông tin.
Thầy Nguyện bày tỏ, nếu được triển khai một cách bài bản, có lộ trình rõ ràng và phù hợp với thực tiễn địa phương, sách giáo khoa điện tử hoàn toàn có thể mang lại nhiều lợi ích. Bởi sách giáo khoa điện tử không chỉ giúp giáo viên thuận tiện trong quá trình soạn giảng, tiết kiệm thời gian tìm kiếm tư liệu mà còn giúp học sinh tiếp cận bài học một cách linh hoạt hơn, đặc biệt là với các em có điều kiện học tập từ xa hoặc học bổ trợ tại nhà.
“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai sách giáo khoa điện tử ở các trường khác, đồng thời tích cực tìm hiểu, nghiên cứu để có thể chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường. Nếu có sự hỗ trợ đầy đủ từ ngành giáo dục và các nhà xuất bản, cũng như sự đồng thuận từ phía phụ huynh và học sinh, việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử trong trường sẽ là một bước tiến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay”, thầy Nguyện nêu quan điểm.