Sách ảnh Khoảnh khắc thời gian của nghệ sĩ Văn Quang Đức giành giải xuất sắc đối với công trình lý luận phê bình và sách ảnh
Sách ảnh Khoảnh khắc thời gian của lão nghệ sĩ Văn Quang Đức, quê ở Kinh Môn (Hải Dương) là 1 trong 4 tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc đối với công trình lý luận phê bình và sách ảnh.
Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã công bố 26 tác phẩm ảnh đoạt Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc và 4 tác phẩm đoạtGiải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc đối với công trình lý luận phê bình và sách ảnh năm 2024.
Đây là giải thưởng cao nhất trong năm của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Sách ảnh “Khoảnh khắc của thời gian” tác giả Văn Quang Đức (Hải Dương) là tác phẩm duy nhất đoạt huy chương vàng ở Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc đối với công trình lý luận phê bình và sách ảnh năm 2024.
Nghệ sĩ Văn Quang Đức sinh năm 1915 ở thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam), hiện ở thị trấn An Lưu (Kinh Môn). Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức là 1 trong 71 hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; hội viên Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP); 1 trong những hội viên đầu tiên xây dựng và có nhiều tác phẩm đóng góp cho Tạp chí Văn học nghệ thuật Hải Hưng (thời kỳ hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên sáp nhập).
Nghệ sĩ Văn Quang Đức có nhiều tác phẩm được giải thưởng quốc tế và trong nước như tác phẩm: "Được nắng" (huy chương bạc giải Cộng hòa dân chủ Đức 1966); "Hạt giống mùa sau", "Chiều trên sông Kinh Thầy" (triển lãm Rumani); "Đường về của lúa" (triển lãm Hungary), "Hang Đốc Tít" (giải nhì Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 4), "Đường cày đảm đang" (giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam), "Đàn cò về tổ ấm" (giải Văn học nghệ thuật Côn Sơn năm 1990)...
Nghiêm túc trong làm nghề, trong công việc và cả đời sống là phương châm sống của lão nghệ sĩ Văn Quang Đức. Bởi vậy, cụ chỉ dừng sáng tác cách đây hơn hai năm sau một lần bị ngã, sức khỏe giảm sút.
Nghệ sĩ Văn Quang Đức rất tâm huyết với lời dạy của Bác Hồ: "Máy ảnh là thứ vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén". Vì vậy, trong suốt cuộc đời cầm máy của mình, cụ luôn năng nổ, xông xáo như một người chiến sĩ trên mặt trận lao động và sản xuất, tích cực chụp ảnh sáng tác, chụp ảnh tư liệu.
“Kinh nghiệm sau nhiều năm làm nghề của tôi là muốn đi đâu, chụp gì thì người cầm máy đều phải có chương trình, kế hoạch trước. Phải xác định rõ mình định chụp gì để có sự chuẩn bị cho kỹ lưỡng. Khi đi chụp ảnh cùng đoàn thì phải có ý đồ, ý tưởng sáng tạo của riêng mình chứ không nên rập khuôn theo người khác”, cụ Đức nói trong một lần chia sẻ với phóng viên Báo Hải Dương.
Cụ Đức cũng chia sẻ thêm, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải hội tụ nhiều yếu tố. Họ vừa phải là người có mắt quan sát để chọn được những góc chụp hợp lý, vừa là người biết nắm bắt khoảnh khắc, đồng thời cũng phải có được sự kiên nhẫn để “bắt” được đúng sự việc, cảm xúc, ánh sáng… bởi có những hình ảnh chỉ xuất hiện trong vài tích tắc và không thể lấy lại được. Vì thế, khả năng nhạy bén, biết chọn khoảnh khắc sẽ quyết định sẽ tạo ra hồn cốt cho một bức ảnh xuất sắc. Bên cạnh đó, việc đặt tên cho những bức ảnh cũng rất quan trọng để qua đó người xem có thể hiểu được một phần ý tưởng mà người cầm máy muốn truyền tải.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức luôn bám quê, bám sát sự kiện, trận địa và đã có những bức ảnh có giá trị về chiến tranh như: Địch rải bom B52 xuống cầu Lai Vu; Đoàn tàu Hà Nội - Hải Phòng bị trúng bom Mỹ; Du kích Hiệp An bắt sống giặc lái Mỹ, xác máy bay rơi trên đồng đất xã An Phụ; Hình ảnh 3 tiểu đoàn hành quân ra Kiếp Bạc…
Nghệ sĩ Văn Quang Đức cũng thành công với nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật phản ánh cuộc sống và công việc đồng áng của người dân Kinh Môn cần cù chịu khó, yêu lao động như: hình ảnh những đoàn thuyền nan chở lúa trong mùa thu hoạch, những anh thanh niên phá đá mở đường, những cánh buồm nâu trong sương sớm trên sông Kinh Thầy… Đặc biệt, bộ ảnh 102 bức ghi lại quá trình xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Thạch đã phản ánh một cách chân thực những khó khăn, vất vả trên con đường xây dựng quê hương, đất nước.
Tình yêu với nhiếp ảnh và tình yêu quê hương, đất nước của nghệ sĩ Văn Quang Đức đã được truyền sang cho các con trai của mình. 3 trong số 4 người con trai của cụ đều từng là phóng viên ảnh chiến trường. Trong đó, người con trai thứ hai đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, người con cả nay đã nghỉ hưu. Người con thứ ba là nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Cả Quyết (73 tuổi) vẫn gắn bó với sự nghiệp cầm máy. Ông có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải cao ở tỉnh, khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc.
Ngoài ra, ở hạng mục Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc có 26 tác phẩm ảnh xuất sắc nhất đạt giải thưởng gồm: 2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng. Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc nhằm tìm ra các tác phẩm ảnh, công trình lý luận phê bình nhiếp ảnh và sách ảnh có chất lượng nghệ thuật và nội dung tốt. Từ đó chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao huy chương vàng, bạc, đồng của năm.
Dưới đây là các tác phẩm đoạt giải năm nay:
Huy chương vàng
Huy chương bạc
Huy chương đồng