Sắc màu Phục Sinh: Khi truyền thống Nga lan tỏa trong không gian văn hóa Việt
Lễ Phục Sinh là một trong những ngày lễ quan trọng và thiêng liêng trong Kitô giáo, biểu tượng của sự hồi sinh và kết nối, được người dân nhiều nước kỷ niệm. Những giá trị ấy đã lan tỏa tới các bạn trẻ Việt Nam và quốc tế thông qua sự kiện 'Những mảnh ghép Phục Sinh - Kết nối các nền văn hóa'.

Sự kiện “Những mảnh ghép Phục Sinh - Kết nối các nền văn hóa" tại Học viên Báo chí và Tuyên truyền thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu và sinh viên học sinh Việt Nam và quốc tế (Ảnh: Phương Trang)
Sự kiện do Phân viện Puskin, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức chiều 20/4, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và LB. Nga, thu hút gần 500 đại biểu, học sinh sinh viên Việt Nam và quốc tế tham dự.
Truyền thống Phục sinh - Hồn cốt văn hóa Nga
Lễ hội là nơi lưu giữ ký ức cộng đồng và những giá trị văn hóa được truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, Lễ Phục Sinh – ngày lễ quan trọng của cộng đồng Chính thống giáo – không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là dịp sum họp gia đình, gắn kết tình thân.
Lễ Phục sinh tại LB. Nga là một trong những ngày lễ truyền thống lớn, được tổ chức trang trọng và có gắn bó sâu sắc với đời sống của người Nga. Diễn ra vào thời điểm chuyển mùa – cuối Đông đầu Xuân, lễ hội là biểu tượng của sự tái sinh, hi vọng và yêu thương.

Lễ Phục sinh Chính thống Nga
Người dân bắt đầu chuẩn bị từ Tuần Thánh – bảy ngày trước lễ chính – bằng việc ăn chay, dọn dẹp nhà cửa và làm các món đặc trưng như bánh kulich, phô mai phục sinh và trứng nhuộm màu. Thứ Năm Tuần Thánh là thời điểm quan trọng nhất, khi các tín đồ thức dậy sớm để tắm rửa, đến nhà thờ xưng tội, rước lễ và hoàn tất các nghi lễ chuẩn bị cuối cùng. Đêm Thứ Bảy, trong tiếng chuông ngân vang báo tin mừng Chúa sống lại, lễ rước diễn ra quanh nhà thờ trong không khí thiêng liêng và trang nghiêm. Sáng hôm sau, các món ăn lễ được mang đến nhà thờ xin ban phước lành rồi bày lên mâm cỗ sum vầy. Người Nga chúc nhau bằng câu “Chúa Kitô đã sống lại – Người thực sự đã sống lại”, tặng trứng và chia sẻ món ăn như cách gửi gắm lời chúc bình an, may mắn.
Phục sinh không chỉ là dịp lễ tôn giáo, mà còn là truyền thống văn hóa sâu sắc, đề cao sự gắn kết cộng đồng và lòng nhân ái. Những biểu tượng quen thuộc như bánh Kulich hay trứng Phục Sinh được trang trí rực rỡ không chỉ làm đẹp không gian mà còn chứa đựng những ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Phu nhân Đại sứ LiB., bà E.V.Bezdetko giới thiệu về truyền thống Trứng Phục sinh trong văn hóa Nga (Nguồn: Minh Trang)
Tại sự kiện “Những mảnh ghép Phục Sinh: Kết nối các nền văn hóa", bà E.V. Bezdetko - Phu nhân Đại sứ Nga tại Việt Nam đã giới thiệu về Lễ Phục sinh, về ý nghĩa của các hoạt động ở nước Nga nhân ngày lễ này. Bà cho biết, "Lễ Phục sinh là ngày lễ Chính thống giáo lớn nhất, tượng trưng cho chiến thắng của sự sống trước cái chết, của cái thiện trước cái ác, tôn vinh sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lễ Phục sinh là ngày lễ gia đình quan trọng, được coi là dịp để đoàn viên và yêu thương, chứ không phải là ngày dành cho nỗi cô đơn”.
Trải nghiệm văn hóa - Kết nối bằng hành động
Diễn ra chỉ trong một buổi chiều nhưng nhiều hoạt động giao lưu được Ban Tổ chức chuẩn bị công phu đã mang đến một bầu không khí sôi động cho các đại biểu, đặc biệt là các bạn trẻ học sinh, sinh viên Việt Nam, Nga và nhiều nước khác, tạo nên nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, có thể kể đến như thi đố vui về các ngày lễ truyền thống, học hát dân ca Nga, múa Kharavod và đặc biệt là hoạt động trang trí trứng Phục Sinh.

Các hoạt động trải nghiệm giúp gắn kết các học sinh đến từ nhiều nước khác nhau (Nguồn: Như Quỳnh)
Phần thi đố vui với các câu hỏi xoay quanh văn hóa Việt Nam, Nga và các nền văn hóa thế giới đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình từ các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Nga...

Các bạn học sinh hào hứng tham gia phần thi đố vui có thưởng (Nguồn: Minh Trang)
Hoạt động trang trí Trứng Phục sinh và đồ thủ công truyền thống cũng không kém phần hấp dẫn. Trứng Phục sinh là một trong những biểu tượng lâu đời và đặc trưng nhất của Lễ Phục sinh. Với người Nga cổ, hình ảnh quả trứng gắn liền với mẹ thiên nhiên và tượng trưng cho sự khởi nguồn sự sống. Trịnh Tuệ Linh – du học sinh Trung Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Trong các hoạt động hôm nay, mình thích nhất là phần tự tay trang trí quả trứng của chính mình. Nhờ sự kiện, mình hiểu hơn về văn hóa Nga và ý nghĩa của Lễ Phục sinh.”

Người tham dự được hướng dẫn tận tình cách trang trí trứng Phục sinh (Nguồn: Thanh Vân)
Nikita Lysenko, du học sinh người Nga, tỏ ra rất hào hứng với các hoạt động: “Tôi rất vui và tự hào khi văn hóa Nga được chia sẻ với bạn bè quốc tế. Tôi cũng rất bất ngờ khi các bạn tham dự rất hứng thú và yêu thích nét văn hóa này.”

Bà Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin phát biểu khai mạc chương trình giao lưu văn hóa (Nguồn: Như Quỳnh)
Bà Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Phân viện Puskin phối hợp tổ chức một sự kiện giao lưu văn hóa với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều dịp kết hợp với Học viện tổ chức các chương trình giao lưu và thu hút sự tham gia của học sinh sinh viên từ các nước khác đang sinh sống và học tập tại Việt Nam. Những sự kiện như vậy có vai trò thúc đẩy tình hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.”
Ban Tổ chức hy vọng các sự kiện giao lưu văn hóa như “Những mảnh ghép Phục Sinh” không chỉ lan tỏa bản sắc dân tộc mà còn tăng cường kết nối quốc tế.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Hội Hữu nghị Việt – Nga, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội cùng đại diện một số đại sứ quán tại Việt Nam như Nga, Belarus, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Mông Cổ. (Ảnh: Thu Trang)

Chương trình giao lưu văn hóa “Những mảnh ghép Phục Sinh: Kết nối các nền văn hóa” nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nga, do Phân viện Puskin (Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức. (Ảnh: Như Quỳnh)

Sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên đến từ Phân viện Puskin (Ảnh: Thu Trang)

Không gian trải nghiệm trở thành "sân chơi sáng tạo" cho các bạn trẻ, nơi những đôi tay khéo léo biến từng quả trứng Phục Sinh thành tác phẩm đầy màu sắc. (Ảnh: Phương Trang)

Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 250 học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế, tạo nên không gian tràn đầy năng lượng và sự kết nối. (Ảnh: Như Quỳnh)

Bạn Nguyễn Hoàng Minh - học sinh lớp 10, Trường chuyên Hoàng Văn Thụ chia sẻ, Lễ Phục Sinh giúp bạn có những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa. (Ảnh: Thu Trang)

Bạn Lê kiều - du học sinh Trung Quốc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cảm thấy hào hứng khi lần đầu tiên được trải nghiệm một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Nga, giúp bạn hiểu thêm về văn hóa Nga, sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt – Nga. (Ảnh: Thu Trang)