Sa Thầy sử dụng nguồn vốn chính sách làm 'đòn bẩy' giảm nghèo bền vững

Nguồn vốn chính sách đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt ở những địa phương không được thiên nhiên ưu đãi.

Sa Thầy là huyện miền núi biên giới, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Kon Tum. Năm 2024, huyện được phân bổ trên 16 tỷ đồng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện công tác giảm nghèo. Sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả chính là thách thức đối với chính quyền huyện Sa Thầy, để có thể hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, nâng cao ý thức, khát vọng vươn lên thoát nghèo.

Trong 3 năm qua, từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sa Thầy tiến hành triển khai trên 30 dự án cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nuôi bò sinh sản, heo thịt, trồng sầu riêng, mắc ca, cao su, các loại cây ăn quả; xây dựng hơn 60 mô hình nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hỗ trợ người nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi trồng trọt…

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Dựa vào nguồn vốn chính sách, rất nhiều hộ dân ở Sa Thầy từng là hộ nghèo, có cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ được hỗ trợ vốn đầu tư các mô hình sản xuất, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, họ đã nỗ lực vượt khó, cần cù trong lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị địa phương, trong năm 2023, Sa Thầy có 944 hộ thoát nghèo và hơn 600 hộ thoát cận nghèo, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong năm 2024, huyện phấn đấu giảm hơn 4% hộ nghèo, trong đó giảm 3,6% đối với hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sa-thay-su-dung-nguon-von-chinh-sach-lam-don-bay-giam-ngheo-ben-vung-2325216.html
Zalo