Sa sút trí tuệ - thách thức khi dân số già hóa

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối diện với các vấn đề bệnh tật của người cao tuổi, trong đó sa sút trí tuệ là một thách thức.

Sa sút trí tuệ (SSTT) là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tổn thương não với đặc trưng bởi các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục… SSTT có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân SSTT).

Áp dụng liệu pháp âm nhạc đồng hành cùng người bệnh tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: BVCC

Áp dụng liệu pháp âm nhạc đồng hành cùng người bệnh tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: BVCC

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số lượng người mắc SSTT năm 2019 là 55 triệu người. Con số này được dự báo sẽ đạt 82 triệu người vào năm 2030, và 152 triệu người vào năm 2050. Tổng chi phí xã hội toàn cầu cho SSTT năm 2019 là 1.300 tỷ USD và dự báo có thể vượt quá 2.800 tỷ USD vào năm 2030 khi số người bị SSTT và chi phí chăm sóc họ đều tăng lên. Tại Việt Nam, ước tính có gần 1 triệu người mắc Alzheimer và các dạng SSTT khác.

Ông Phan Việt Sinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của SSTT. Bệnh không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng cũng như toàn xã hội. Ở giai đoạn nặng, người bệnh Alzheimer có thể quên chính mình và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân. Đa số bệnh nhân được quản lý tại nhà nhưng nước ta vẫn chưa có các chương trình, dịch vụ hỗ trợ người bệnh và người chăm sóc tại cộng đồng”.

Theo các bác sĩ, người bệnh SSTT sẽ mất dần các kiến thức và kỹ năng đúng trong các hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày: ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ… Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác đi kèm hoặc khó khăn trong phối hợp kiểm soát các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp… (là những chứng bệnh vốn hay có ở người cao tuổi). Đáng lo ngại hơn, số người mắc bệnh đang gia tăng nhưng tỉ lệ được chẩn đoán và điều trị rất thấp.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Thần kinh và Bệnh Alzheimer (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) nêu thực trạng: Hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám SSTT ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám. Thực tế, nhiều người còn chủ quan với bệnh Alzheimer và tình trạng SSTT. Mọi người thường nghĩ đây là tình trạng lão hóa thông thường hoặc bệnh tuổi già. Chỉ khi có triệu chứng về suy giảm trí nhớ cùng với rối loạn nhận thức khác, bệnh nhân mới đi khám. Đồng thời, chuyên gia cũng cảnh báo, những năm gần đây tình trạng suy giảm trí nhớ, SSTT có xu hướng trẻ hóa.

“Trước đây, đối tượng đến khám bệnh lý này chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỉ lệ lớn người bệnh từ 50 - 60 tuổi. Khoảng 30 - 40% những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng SSTT” – BS Bình thông tin.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu đặc trưng đầu tiên của tình trạng SSTT phải kể là giảm trí nhớ; nhầm lẫn vị trí các đồ vật và khó tìm lại; nhầm lẫn về thời gian và địa điểm; giảm khả năng phán đoán; ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; giảm khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định; thay đổi về cảm xúc, tính cách (rối loạn về cách dùng từ)… Do đó, khi có biểu hiện quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, rối loạn cảm xúc, hành vi nên đi khám sớm.

Bên cạnh đó, những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi, nên đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ Alzheimer có thể đến sớm.

Ngoài ra, các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các liệu pháp không dùng thuốc như liệu pháp âm nhạc đang nổi lên như một giải pháp hỗ trợ đầy triển vọng cho người bệnh Alzheimer.

Theo các nghiên cứu, âm nhạc có thể tác động đến những vùng não ít bị tổn thương bởi bệnh Alzheimer, giúp kích hoạt trí nhớ và cảm xúc tích cực ở người bệnh. Không chỉ vậy, liệu pháp âm nhạc còn mang lại những lợi ích thiết thực: nó giúp cải thiện chức năng nhận thức (như trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng chú ý) và giảm các triệu chứng hành vi như lo âu, kích động, hung hăng ở người bệnh Alzheimer. Những người bệnh tham gia vào các chương trình âm nhạc tích cực như hát, nhảy hoặc chơi nhạc cụ cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về cảm xúc lẫn nhận thức.

Cơ chế tác động của âm nhạc cũng rất phong phú: từ việc kích hoạt giải phóng dopamine – chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khoái cảm và động lực, đến khả năng điều hòa phản ứng viêm – yếu tố góp phần vào tiến triển của Alzheimer.

Một yếu tố quan trọng làm nên thành công của liệu pháp này là âm nhạc được cá nhân hóa – tức là lựa chọn các bài hát quen thuộc, gắn liền với kỷ niệm của người bệnh. Nghiên cứu chỉ ra rằng âm nhạc quen thuộc giúp cải thiện khả năng định hướng, giao tiếp và ghi nhớ của người bệnh tốt hơn so với âm nhạc ngẫu nhiên.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sa-sut-tri-tue-thach-thuc-khi-dan-so-gia-hoa-10305476.html
Zalo