S&P 500 tăng 5 phiên liên tiếp trước thềm loạt báo cáo quan trọng, giá dầu giảm

Tuần này, ngoài các báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết lớn và tin tức về thương mại, giới đầu tư ở Phố Wall còn dành sự quan tâm cho loạt số liệu kinh tế Mỹ quan trọng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/4) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi các nhà đầu tư bước vào một tuần giao dịch với nhiều báo cáo tài chính và số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố. Giá dầu thô giảm khoảng 1 USD/thùng vì chiến tranh thương mại tiếp tục đặt ra mối lo về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,06%, đạt 5.528,75 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq giảm 0,1%, còn 17.366,13 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 114,09 điểm, tương đương tăng 0,28%, đạt 40.227,59 điểm.

4 cổ phiếu thành viên của nhóm 7 công ty công nghệ vốn hóa lớn Magnificent 7 - gồm Amazon, Meta Platforms, Apple và Microsoft - có lúc đương đầu với áp lực giảm trong phiên này khi nhà đầu tư thận trọng trước khi 4 công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 trong tuần này. Chốt phiên, Apple và Meta tăng nhẹ, với mức tăng 0,4% mỗi cổ phiếu, trong khi Microsft giảm 0,2% và Amazon giảm 0,7%.

Mùa báo cáo tài chính này ở Phố Wall được đánh giá là tương đối khả quan so với những gì được hình dung trước đó. Theo dữ liệu từ FactSet, trong số các công ty đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, có 73% đạt kết quả vượt dự báo của giới phân tích - chỉ thấp hơn một chút so với mức bình quân của 5 năm là 77%. Dù vậy, các nhà phân tích ở Phố Wall vẫn cắt giảm kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 2/2025 do các công ty đưa ra dự báo thiếu chắc chắn vì tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Về đàm phán thương mại, các thông tin được công bố đến thời điểm này vẫn còn hạn chế.

Ngày thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent không đưa ra thông tin cụ thể gì mới về hướng đi nhằm đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng nói rằng việc có đạt được thỏa thuận hay không tùy thuộc vào Bắc Kinh. Tuy vậy, ông nói rằng Mỹ đang có bước tiến trong đàm phán với các nước khác, tiết lộ Ấn Độ có thể sẽ là một trong những nước đầu tiên đạt thỏa thuận với Mỹ.

“Tôi tin rằng việc xuống thang tùy thuộc vào Trung Quốc, vì họ xuất khẩu sang Mỹ nhiều gấp 5 lần Mỹ xuất khẩu sang họ, và bởi vì các mức thuế quan 125% và 145% này là không bền vững”, ông Bessent nói với hãng tin CNBC.

Tuần trước, ông Trump nói Mỹ - Trung đang đàm phán thương mại, trong khi Bắc Kinh khẳng định hiện tại không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra.

“Những ngày gần đây đã xuất hiện một vài dấu hiệu của sự xuống thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, khi cả hai bên đều có bước lùi nhất định về thuế quan và Mỹ phát tín hiệu mềm mỏng hơn. Nhưng đây mới chỉ là lời nói thay vì hành động, và chúng tôi cho rằng sẽ khó có được xung lực đủ mạnh trong đàm phán thương mại để kinh tế Mỹ tránh được suy thoái”, nhà kinh tế Jonathan Millar của ngân hàng Barclays nhận định trong một báo cáo.

Phố Wall đang đi tới những ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4. Tính từ đầu tháng tới nay, S&P 500 đã giảm hơn 1% và đang thấp hơn khoảng 10% so với mức đỉnh 52 tuần thiết lập vào tháng 2. Dow Jones đã giảm hơn 4% trong tháng này, trong khi Nasdaq tăng 0,4% từ đầu tháng.

Hôm 7/4, S&P 500 có lúc rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong đợt bán tháo sau khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng. Sau đó, chỉ số đã hồi phục nhưng không vượt qua được những ngưỡng kháng cự chủ chốt.

Tuần này, ngoài các báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết lớn và tin tức về thương mại, giới đầu tư ở Phố Wall còn dành sự quan tâm cho loạt số liệu kinh tế Mỹ quan trọng, gồm dữ liệu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - và báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đó là báo cáo thị trường lao động tháng 4 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,01 USD/thùng, tương đương giảm 1,51%, chốt ở mức 65,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,97 USD/thùng, tương đương giảm 1,54%, chốt ở 62,05 USD/thùng.

Theo nhà phân tích John Evans của công ty môi giới PVM Oil, thương chiến Mỹ - Trung đang là yếu tố chi phối tâm lý nhà đầu tư trên thị trường dầu, tác động tới giá dầu nhiều hơn các tin tức về đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran hay mối bất hòa trong nhóm OPEC+ về vấn đề sản lượng khai thác dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Việc Washington và Bắc Kinh chưa có bước tiến cụ thể nào để tìm giải pháp cho xung đột thương mại khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mối lo này gây áp lực giảm chính lên giá dầu trong thời gian gần đây. Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép giảm khi một số thành viên OPEC+ muốn đẩy nhanh việc tăng sản lượng khai thác dầu.

“Tâm lý trên thị trường dầu đã trở nên bi quan hơn vì OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng khai thác dầu nhanh hơn”, nhà phân tích Aldo Spanjer của ngân hàng BNP Paribas nhận định trong một báo cáo. BNP Paribas hiện dự báo trong quý 2/2025, giá dầu Brent sẽ duy trì trong vùng từ 65 USD/thùng đến dưới 70 USD/thùng.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sp-500-tang-5-phien-lien-tiep-truoc-them-loat-bao-cao-quan-trong-gia-dau-giam.htm
Zalo