Phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân ở mức 1 đến 1,5%/năm
Trong thời gian tới, Việt Nam phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân ở mức 1 đến 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện giảm từ 4 đến 5%/năm. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo.

Quỹ tín dụng giúp nhiều đơn vị, hợp tác xã mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động có thu nhập vươn lên thoát nghèo.
Theo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư 2.716 công trình xây dựng mới và 1.586 công trình duy tu bảo dưỡng, nhờ đó hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại các huyện nghèo, xã nghèo. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng hơn 9.368 dự án, mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với 213.247 hộ tham gia.
Qua đó thực hiện mục tiêu tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…

Người dân có việc làm, thu nhập vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, dù đã đạt được kết quả khả quan nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn một số hạn chế như: số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện lớn gây khó khăn trong quá trình thực hiện; việc phân bổ vốn của một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian; nhiều địa phương đề xuất, phê duyệt danh mục một số dự án dàn trải, manh mún, trùng lắp; đặc biệt, kết quả giảm nghèo chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan (biến đổi khí hậu, thiên tai…); tỷ lệ hộ nghèo chênh lệch giữa các vùng miền còn cao, bên cạnh đó việc sắp xếp lại đơn vị, tổ chức cũng gây khó khăn cho hoạt động giảm nghèo…
Để đạt được mục tiêu về giảm nghèo, theo Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn; tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ quyền lợi khi tham gia để nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, khơi dậy tiềm năng, lợi thế trong thực hiện chương trình giảm nghèo.
Các địa phương cũng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải ngân nguồn vốn trung ương hỗ trợ bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí; ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương.
Tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như: bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, dạy nghề, việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý. Đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá chương trình, hoàn thiện hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững kết nối với hệ thống giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm theo yêu cầu.
Ngoài việc tận dụng những chính sách, nguồn vốn từ trung ương, địa phương thì cũng cần tranh thủ những nguồn lực xã hội khác, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo… Với những chính sách, chiến lược từ trung ương xuống địa phương, chương trình sẽ gặt hái được những thành công mới để người dân được hỗ trợ, không ai bị bỏ lại phía sau…