S&P 500 gần như đi ngang; Dầu nối dài đà giảm

Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang vào 22/5 khi nhà đầu tư vật lộn với những lo ngại về lãi suất tăng và lo ngại về thâm hụt ngân sách Mỹ đang phình to.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chạm đỉnh

Kết phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones mất 1,35 điểm còn 41.859,09 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,04% xuống 5.842,01 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,28% lên 18.925,73 điểm.

Trong cuộc bỏ phiếu vào sáng thứ Năm, các thành viên Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật bao gồm giảm thuế và tăng chi tiêu quân sự. Biện pháp này - hiện đã được chuyển đến Thượng viện Mỹ - có thể làm tăng nợ của Chính phủ Mỹ lên hàng ngàn tỷ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã định giá dự luật này ở mức gần 4 ngàn tỷ USD.

Trong ngắn hạn, dự luật thuế có lợi cho nền kinh tế vì sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP, giảm thuế, tăng chi tiêu, đặc biệt là cho quốc phòng, và do đó kích thích nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong dài hạn, biện pháp này làm tăng thâm hụt ngân sách và là tin xấu cho thị trường.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm vào 22/5 đã giao dịch ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2023, tăng lên 5,161%, trước khi quay đầu giảm nhẹ vào cuối phiên. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng rút khỏi mức đỉnh trong phiên. Việc tăng lãi suất dài hạn, vốn là chuẩn mực cho các khoản vay tiêu dùng, có thể gây áp lực lên nền kinh tế vốn đã cảm thấy sức nặng của chính sách thuế quan mới được ông Trump áp dụng gần đây.

Một cuộc đấu giá ảm đạm đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm đã góp phần thúc đẩy sự gia tăng đột biến về lợi suất và đợt bán tháo cổ phiếu vào ngày 21/5. Nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu chính phủ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu dự luật này được Thượng viện Mỹ thông qua.

OPEC+ dự kiến tăng sản lượng

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent sụt 47 xu, tương đương 0,72% xuống 64,44 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 37 xu, tương đương 0,6% còn 61,20 USD/thùng.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đang thảo luận về việc liệu có nên tăng sản lượng lớn thêm nữa hay không tại cuộc họp ngày 1/6, Bloomberg News đưa tin.

Báo cáo cho biết việc tăng 411.000 thùng/ngày trong tháng 7 là một trong những lựa chọn đang được thảo luận, mặc dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Harry Tchiliguirian tại Onyx Capital Group nhận định: “Chúng tôi đang thấy thị trường phản ứng với bằng chứng cho thấy OPEC đang từ bỏ chiến lược bảo vệ giá để giành thị phần".

OPEC+ đã trong quá trình dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng, với việc bơm dầu vào thị trường trong tháng 5 và tháng 6, và Reuters trước đó đã đưa tin rằng nhóm này có thể bổ sung trở lại tới 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2025.

Trong một lưu ý vào ngày 21/5, chuyên gia phân tích Helima Croft của RBC Capital cho biết mức tăng 411.000 thùng/ngày từ tháng 7 là “kết quả có khả năng xảy ra nhất” từ cuộc họp, chủ yếu là từ Ả-rập Xê-út.

Giá dầu đã giảm trong phiên sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 21/5 cho thấy dự trữ dầu thô và nhiên liệu tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, khi nhập khẩu dầu thô vọt lên mức cao nhất trong 6 tuần và nhu cầu xăng cùng các sản phẩm chưng cất giảm.

EIA cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 1,3 triệu thùng lên 443,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/5, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1,3 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.

Trong khi OPEC+ đang cân nhắc, sự gia tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cho thấy nhóm các nhà sản xuất này có thể đang tăng nguồn cung dầu vào một thị trường có nhu cầu thấp hơn.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/sp-500-gan-nhu-di-ngang-dau-noi-dai-da-giam-post122938.html
Zalo