Rút ngắn thời gian xây dựng luật, đáp ứng yêu cầu phát triển

Thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Kiên Giang và Lào Cai, có ý kiến cho rằng, rút ngắn thời gian xây dựng luật là vấn đề rất quan trọng, qua đó giúp bảo đảm sự linh hoạt của các cơ quan hành pháp, đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu đặt ra đối với phát triển đất nước.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng

Các đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các lý do và cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 của dự thảo Luật quy định: Luật này quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

 Quang cảnh thảo luận tại tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Kiên Giang và Lào Cai. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh thảo luận tại tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Kiên Giang và Lào Cai. Ảnh: Hồ Long

Băn khoăn với quy định trên, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, Điều 69 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Như vậy, quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật có phù hợp không?

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật có hai điểm mới lớn. Theo đó, luật chỉ điều chỉnh đối với quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số chủ thể khác; bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Dự thảo Luật giảm 101 điều so với luật hiện hành là hoàn toàn phù hợp với tư duy lập pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu luật được thông qua thì chỉ quy định những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, cùng với xây dựng dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chính phủ đang triển khai song song việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ trưởng, HĐND, UBND các cấp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ được rút ngắn về thời gian, đồng thời với khả năng chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan thì vẫn bảo đảm được chất lượng luật, pháp lệnh.

 ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng, qua đó giúp bảo đảm sự linh hoạt của các cơ quan điều hành, các cơ quan hành pháp, đáp ứng được tốt hơn và nhanh hơn các yêu cầu đặt ra đối với quá trình phát triển của đất nước”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Cân nhắc việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4), các ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) đồng thuận với nội dung như dự thảo Luật là bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; bổ sung 1 hình thức nghị quyết của Chính phủ; thay đổi từ quyết định sang thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng nêu rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã được ban hành khi được luật giao. Tuy nhiên, trong thực tế nhu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã là không lớn, nếu có thì văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chủ yếu cũng là sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

 ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, tại Điều 4 của dự thảo Luật về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã liệt kê đầy đủ hệ thống văn bản do Trung ương đến địa phương được quyền ban hành. Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện chỉ đưa ra trình tự, thủ tục để ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương. Do vậy, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề nghị, khi đã liệt kê vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, với tên gọi cụ thể, thì nên quy định trình tự, thủ tục cơ bản để ban hành văn bản dưới luật của trung ương, địa phương, giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu giữ lại những quy định mang tính nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là quy định tại Điều 11 về văn bản quy định chi tiết, để tạo cơ sở kiểm soát, tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

“Thực tế, qua rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã cho thấy, sự chồng chéo, mâu thuẫn chủ yếu xuất hiện ở các văn bản dưới luật. Việc giữ lại các quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành sẽ giúp văn bản quy định chi tiết phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay; văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”, đại biểu Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.

Đại biểu Dương Văn Phước nêu vấn đề, tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vẫn quy định HĐND và UBND được tổ chức tại cấp xã. Như vậy, văn bản do HĐND, UBND cấp xã ban hành trong thời gian tới có được xem là văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản đang lưu hành tiếp tục có hiệu lực nữa không? Đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá để xem xét việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã tại Điều 4 của dự thảo Luật.

Đồng thuận với việc rút ngắn xem xét, thông qua các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tại một kỳ họp hoặc phiên họp, tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị quy định rõ hơn về các nội dung cần thiết khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đối với các dự án Luật và Nghị quyết.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/rut-ngan-thoi-gian-xay-dung-luat-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-post404274.html
Zalo