Rút dần khoảng cách giữa mầm non công và ngoài công lập
Nắm được tình hình thực tế, TP.HCM đã có nhiều chính sách đặc thù chăm lo đời sống cho con em công nhân cũng như giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Không chỉ nỗ lực xây dựng các trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), Sở GD&ĐT TP.HCM đang xây dựng các chính sách đầu tư cũng như nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục độc lập tư thục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Lương Thị Hồng Điệp (ảnh), Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM, về vấn đề này.

Bà LƯƠNG THỊ HỒNG ĐIỆP
Trường công khó đáp ứng giờ giấc của công nhân
. Phóng viên: Thưa bà, hiện trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt tại các KCN-KCX?
+ Bà Lương Thị Hồng Điệp: Tính đến tháng 11-2024, toàn TP có 3.252 cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, 1.228 trường và 2.024 nhóm, lớp độc lập. Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có KCN-KCX chiếm tỉ lệ hơn 70% với 771 trường, 1.590 nhóm, lớp độc lập.

Mầm non Mặt Trời Nhỏ là ngôi trường dành riêng cho con công nhân của Công ty PouYuen Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
. Theo bà, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có KCN-KCX đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu gửi con của công nhân?
+ TP.HCM quan tâm đầu tư xây dựng nhiều trường mầm non công lập tại khu vực trên. Tuy nhiên, các đơn vị này khó có thể đáp ứng được giờ giấc làm việc đi sớm về muộn, làm luôn thứ Bảy, tăng ca buổi tối của công nhân.
Tuy vậy, ở các khu vực này, cơ sở giáo dục độc lập lại được mở rất nhiều, giờ giấc linh hoạt, chi phí phù hợp. Vấn đề đặt ra là những cơ sở này phải được tổ chức bài bản theo Thông tư 49/2021 của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục. TP đang tiếp tục đầu tư, củng cố để những đơn vị này đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Giờ trả trẻ tại Trường Mầm non Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Tiếp tục đề xuất hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng
. Các cơ sở giáo dục độc lập đóng một vai trò quan trọng tại các KCN-KCX. Vậy trong thời gian qua, TP.HCM đã có những chính sách nào để hỗ trợ các cơ sở trên?
+ Nắm được tình hình thực tế, TP.HCM đã có nhiều chính sách đặc thù chăm lo đời sống cho con em công nhân cũng như giáo viên tại các đơn vị này.
Đơn cử, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 27/2021 về chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có KCN có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Theo đó, công nhân được hỗ trợ chi phí gửi con ở những cơ sở mầm non ngoài công lập.

Trẻ đang vui vẻ chơi đùa trong sân Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
. Để có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đến được với công nhân, người lao động, Sở GD&ĐT đã có thêm những kế hoạch nào, thưa bà?
+ Sở GD&ĐT đang nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 27 theo hướng đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách, bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và nhóm trẻ độc lập ở những khu vực tập trung nhiều lao động, dù không có KCN.
Bên cạnh đó, đề xuất tăng mức hỗ trợ cho các cơ sở cũng con em công nhân tại các khu vực này. Cụ thể, mức hỗ trợ hiện nay theo Nghị định 105/2020 là 160.000 đồng/trẻ/tháng, vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Do vậy, sở đề xuất tăng lên 350.000 đồng/trẻ/tháng.
Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất một lần tối thiểu là 20 triệu đồng, chúng tôi sẽ đề xuất tăng lên 35 triệu đồng/cơ sở…
. Xin cảm ơn bà.
Đề nghị tổ chức giữ trẻ ngoài giờ hành chính
Mới đây, cử tri quận 7 có đề nghị Phòng GD&ĐT quận 7 xem xét tổ chức giữ trẻ ngoài giờ hành chính cho công nhân để họ yên tâm làm việc, tăng ca.
Về vấn đề này, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết chi ngân sách hỗ trợ đội ngũ giữ trẻ ngoài giờ từ năm học 2024-2025 chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các chính sách chi ngân sách đặc thù cần được HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết mà hiện tại TP.HCM chưa quy định cơ chế, chính sách đặc thù liên quan.
Về thời gian làm thêm của giáo viên, nhân viên, theo Điều 107 của BLLĐ 2019, cần đảm bảo được sự đồng ý của người lao động và giới hạn thời gian làm thêm (tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm). Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và có tính khả thi trong triển khai.
Nhà trẻ cho con công nhân: Không chỉ là nơi giữ trẻ
“Con chào mẹ Hà! Chúng con chào mẹ Hà!” - những tiếng trẻ non nớt, thân thương, đầy vui vẻ ấy vang lên từ các lớp học, khu vui chơi, sân chung… của Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ mỗi khi cô Lê Ái Sơn Hà, Hiệu trưởng nhà trường, đi qua.
Cô Hà (áo tím) cùng tham gia chơi trò kéo co với các bé. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Với gần 12 năm gắn bó, cô Hà đã biến nơi đây thành mái nhà thứ hai cho con em công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân).
Dù là trường tư thục, cô Hà may mắn nhận được sự tin tưởng từ ban giám đốc công ty, cho phép cô chủ động trong mọi hoạt động.
Nhận thấy đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt, cô mạnh dạn tuyển chọn lớp giáo viên trẻ, có chuyên môn, đầy nhiệt huyết, với tiêu chí “chỉ tuyển cô giáo chân dài, thế hệ 9X, có bằng trung cấp mầm non trở lên”. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên gắn bó lâu dài và ngày càng chuyên nghiệp.
Cô giáo đang hướng dẫn trẻ Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ nhận diện các loại cây, trái trong vườn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trường do công ty xây dựng để giữ con công nhân nên khi trẻ bệnh nhiều người vẫn “liều gửi con” đi làm. Điển hình như có thời điểm trẻ bị tay-chân-miệng rất đông nhưng công nhân tạo áp lực bắt trường mở cửa giữ con vì họ nghĩ trường có phòng y tế chăm sóc trẻ.
Tuy nhiên, cô Hà nhất quyết không đồng ý và giải thích tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây, nếu trẻ không được nghỉ ngơi chăm sóc đúng cách sẽ dễ biến chứng nguy hiểm…
Không ít công nhân từng xem trường như “nơi gửi tạm con để đi làm”. Cô Hà kiên trì thay đổi nhận thức đó bằng cách thành lập ban đại diện phụ huynh, mời họ tham gia các hoạt động giáo dục, bữa ăn, giờ học của trẻ. Dần dần phụ huynh hiểu rằng con mình đang được chăm sóc và giáo dục bài bản.
“Công nhân chỉ yên tâm làm việc khi con họ được học hành, chăm sóc chu đáo. Mong rằng TP.HCM sẽ có thêm nhiều trường như vậy trong các KCX-KCN để người lao động an tâm gắn bó lâu dài” - cô Hà chia sẻ.
NGUYỄN QUYÊN