Rượu giá rẻ thì chất lượng đáng ngờ!
Sử dụng rượu trắng và rượu thuốc không rõ nguồn gốc đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Sáng 10-8, khảo sát của PV Pháp Luật TP.HCM cho thấy rượu trắng, rượu ngâm không rõ nguồn gốc được bán đầy trong tiệm tạp hóa và quán nhậu bình dân trên địa bàn TP.HCM.
Rượu gì cũng có
Ghé vào một tiệm tạp hóa treo lủng lẳng bánh, kẹo, dầu gội đầu gói nhỏ, áo mưa… trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), PV hỏi mua 1 lít rượu trắng. Chủ tiệm xăng xái, lát sau đưa cho PV bình rượu rồi nói: “25.000 đồng, rượu người quen nấu bằng nếp nên ngon lắm”.
PV hỏi rượu nấu ở đâu, có nhãn hiệu không, người bán cho hay: “Rượu nấu tại nhà, chỉ bỏ mối cho người quen nên không có nhãn mác. Mà anh yên tâm, tôi bán hơn 10 năm nay rồi, chưa thấy ai phàn nàn gì cả”.
PV tấp vào một sạp tạp hóa trong ngôi chợ trên địa bàn huyện Hóc Môn mua nửa lít rượu trắng. Người bán ra giá 15.000 đồng rồi nói thêm: “Giờ rượu dỏm, rượu pha cồn nhiều lắm, anh mua coi chừng nhầm nghe. Rượu đó uống vô theo “ông bà ông vải” sớm”.
PV hỏi: “Có chắc rượu chị bán uống vô an toàn không?”. “Ôi trời, rượu người quen tôi nấu bằng nếp nên uống vô không hề hấn gì đâu” - người bán quả quyết.
Bước vào quán nhậu bình dân trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), PV kêu phần dê hấp. “Các anh uống rượu nha, từ rượu trắng tới rượu thuốc có đủ” - chủ quán xởi lởi.
“Rượu trắng mỗi lít 30.000 đồng. Rượu thuốc có loại ngâm với chuối hột hoặc sâm, đinh lăng, ba kích, cây mật gấu…; có loại ngâm với rắn, tắc kè, cá ngựa… Giá mỗi xị từ 15.000 tới 60.000 đồng. Rượu được nhà ngâm nên khỏi cần nhãn hiệu, uống vô tư” - chủ quán giới thiệu thêm.
“Soi” các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu ở TP.HCM
Từ ngày 15-8 đến cuối năm 2022, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cùng TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ kiểm tra ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn TP.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo ATTP và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Bà NTH (ở huyện Hóc Môn) sống bằng nghề nấu rượu thủ công gần 30 năm. Bà H cho biết rượu thủ công được nấu bằng nếp, qua nhiều giai đoạn nên giá bán thấp nhất mỗi lít phải 50.000 đồng. Do vậy, nếu rượu trắng có giá dưới 30.000 đồng thì cần xem lại chất lượng.
“Rượu dùng ngâm thuốc phải ngon, nồng độ cao nên tôi bỏ mối mỗi lít 70.000 đồng. Do vậy, rượu ngâm với chuối hột, rắn, tắc kè… có giá mỗi xị từ 15.000 đồng thì chất lượng đáng ngờ” - bà H nói.
Rượu trắng, rượu ngâm không rõ nguồn gốc đều gây hại
Mới đây, tám người ở TP Thủ Đức sử dụng rượu trắng không rõ nguồn gốc nên bị ngộ độc methanol, trong đó có hai người tử vong. Sau đó, thêm năm người cũng bị ngộ độc methanol do uống rượu trắng trôi nổi.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, cho biết ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không an toàn.
“Rượu không an toàn được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công để tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật…” - bà Phong Lan cho biết thêm.
Có hai loại ngộ độc rượu: Ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol). Ngộ độc rượu etylic gồm ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu.
“Đối với ngộ độc rượu metylic, nhẹ thì có cảm giác say say, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, nhức đầu. Nặng thì có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong” - bà Phong Lan giải thích.
Đề cập đến rượu ngâm, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết rượu ngâm có hai thành phần chính: Rượu và thuốc (gồm thực vật và động vật).
“Thuốc ngâm rượu có nhiều điều đáng nói. Dùng thuốc giả để ngâm rượu sẽ nguy hiểm cho người uống. Sử dụng thuốc thật để ngâm rượu nhưng không sao tẩm, không làm sạch… sẽ không đảm bảo chất lượng. Thuốc thật đã được sao tẩm mang ra ngâm rượu chỉ sử dụng cho từng đối tượng” - bà Ngọc Lan nói.
Rượu ngâm thường là dạng bài thuốc chữa bệnh. Do vậy, một bình rượu ngâm không thể dùng chung cho cả nam lẫn nữ, già trẻ, lớn bé. Rượu ngâm sử dụng cũng phải đúng liều lượng. “Uống quá liều dễ dẫn đến hiện tượng “bốc hỏa”, lên huyết áp, ảnh hưởng tim mạch và nhiều vấn đề khác” - bà Ngọc Lan nói thêm.
“Thuốc ngâm là một bài thuốc. Đã là bài thuốc, khi sử dụng phải được BS tư vấn” - bà Ngọc Lan khuyên.
Cơ sở nấu rượu thủ công phải có giấy phép
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.
Tìm hiểu thêm, PV được biết tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải xin giấy phép.
Cụ thể, Điều 20 Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP có quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
Trong đó bao gồm bản sao bản công bố sản phẩm rượu hoặc bản sao giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về ATTP); bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.