Rụng tóc có phải do thiếu sắt?
Thiếu sắt là một trong những dạng thiếu vi chất dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây rụng tóc, ảnh hưởng đến chất lượng sống và thẩm mỹ.
1. Thiếu sắt là gì?
Thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt dự trữ trong cơ thể không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh lý, đặc biệt trong quá trình tạo hồng cầu. Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, phụ nữ mang thai, người ăn uống thiếu cân bằng hoặc mắc bệnh lý đường tiêu hóa gây kém hấp thu.
Thiếu sắt khiến cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, chóng mặt, tim đập nhanh... Nếu kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một trong những biểu hiện thường bị bỏ qua nhưng khá phổ biến là rụng tóc lan tỏa kéo dài.

Thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây rụng tóc.
2. Cơ chế gây rụng tóc do thiếu sắt
Sắt đóng vai trò thiết yếu trong tổng hợp hemoglobin, chất mang oxy trong máu. Khi thiếu sắt, việc vận chuyển oxy đến các mô, bao gồm các nang tóc bị suy giảm. Nang tóc thiếu oxy và dưỡng chất sẽ dễ bị rối loạn chu kỳ phát triển, từ đó gây rụng tóc.
Một số nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ ferritin huyết thanh (chỉ số phản ánh dự trữ sắt trong cơ thể ) thấp (dưới 30 ng/mL đối với nam và dưới 15 ng/mL đối với nữ), với tình trạng rụng tóc kiểu telogen effluvium và rụng tóc do androgen. Ferritin thấp là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã cạn kiệt dự trữ sắt, ngay cả khi chưa có dấu hiệu thiếu máu rõ ràng.
3. Điều trị rụng tóc liên quan đến thiếu sắt
Việc điều trị tập trung vào hai mục tiêu chính là khôi phục dự trữ sắt và kích thích mọc tóc.
Bổ sung sắt
- Dạng uống: Các chế phẩm như sắt sulfat, fumarat hoặc gluconat thường được chỉ định, có thể dùng kèm vitamin C để tăng hấp thu.
- Bổ sung phối hợp: Một số vi chất như acid folic, kẽm và magiê có thể hỗ trợ phục hồi máu và sức khỏe tóc.
- Chế độ ăn: Tăng cường thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan động vật, các loại đậu, rau lá xanh đậm và ngũ cốc nguyên cám.
- Lưu ý: Tránh uống trà, cà phê gần thời điểm dùng sắt vì làm giảm khả năng hấp thu.

Tăng cường thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan động vật...
Kích thích mọc tóc
- Minoxidil tại chỗ: Là thuốc được Cơ quan Quản lý Thuốc & Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho cả nam và nữ, hỗ trợ kéo dài giai đoạn mọc tóc.
- Liệu pháp PRP (huyết tương giàu tiểu cầu): Thúc đẩy tuần hoàn tại vùng da đầu, nuôi dưỡng nang tóc.
- Biotin (vitamin B7): Có thể hỗ trợ sự phát triển và độ chắc khỏe của tóc.
- Phẫu thuật cấy tóc: Được xem xét trong các trường hợp rụng tóc nặng, nang tóc đã teo vĩnh viễn.
4. Phòng ngừa thiếu sắt và rụng tóc
- Duy trì chế độ ăn cân đối, giàu sắt và vitamin hỗ trợ hấp thu.
- Hạn chế lạm dụng các sản phẩm tạo kiểu bằng nhiệt hoặc hóa chất mạnh.
- Điều trị sớm các bệnh lý nền như rối loạn kinh nguyệt hoặc bệnh tiêu hóa mạn tính.
- Không tự ý bổ sung sắt hoặc thuốc bổ máu nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm máu khi có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, da xanh xao, rụng tóc bất thường.
Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp và có thể điều trị được của tình trạng rụng tóc lan tỏa. Việc phát hiện sớm và bổ sung kịp thời không chỉ giúp phục hồi tóc mà còn cải thiện sức khỏe toàn diện. Đối với những trường hợp rụng tóc kéo dài không rõ nguyên nhân, xét nghiệm ferritin và các chỉ số máu liên quan đến sắt nên được đưa vào quy trình thăm khám để có hướng xử lý chính xác và hiệu quả.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Những vấn đề về sức khỏe có thể gặp khi bị thiếu máu, thiếu sắt.