Rừng đước đón Xuân
Khi con nước mang về cơn gió se lạnh, dưới nắng ấm của mùa Xuân là màu xanh bất tận của rừng đước, rừng bần. Đó là khi Tết đã gõ cửa mái chòi nhỏ của những người giữ rừng ngập mặn Cần Giờ…
Về rừng ăn Tết
Những ngày cuối tháng Chạp, Phạm Thị Oanh nhắn tin cho tôi về ăn Tết cùng tổ giữ rừng ở Tiểu khu 6, Phân khu III (Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh). Oanh khoe năm nay trồng được nhiều rau xanh, sẽ thết đãi tôi bữa ăn đượm chất rừng mà lại sực nức mùi Tết. Oanh chạy vỏ lãi đón tôi bên ngoài cửa sông Lòng Tàu. Nắng ấm, ngó xung quanh những vạt rừng mắm, đước, chà là xanh nghiêng mình thinh lặng.
Nghe chim ríu rít từ phía những bờ rừng và hương xuân trong lành xộc vào mũi mới thấy cảm phục xiết bao những con người đã khom lưng trồng và phục hồi rừng từ 50 năm trước. Có những người giữ rừng đã gắn bó cả tuổi thanh xuân, gác lại biết bao niềm riêng cùng những khoảnh khắc đoàn viên ngày Tết để “lá phổi xanh” của thành phố mãi xanh.
Năm nay là mùa Xuân thứ 13, cô gái 33 tuổi đến từ miền quê nghèo Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đón Tết ở rừng phương Nam. Ngần ấy thời gian đã đủ để Phạm Thị Oanh dệt nên một tình yêu không nỡ rời xa với khu rừng gần 100 hecta mà cô và chồng đứng tên nhận chăm sóc, trông giữ. Đón Tết ở rừng, khoảng thời gian Oanh vui vẻ và ý nghĩa nhất là ngày cuối năm, khi anh em trong tổ quây quần với nhau gói bánh chưng, làm dưa kiệu và ca hát. Bữa cơm ấm áp ngày Tết, những người giữ rừng ngồi lại với nhau, thủ thỉ mọi chuyện của cuộc đời, chia sẻ với nhau như tình thân một nhà. Họ bảo hễ vào giữ rừng là anh em, là “đôi ta như quế với gừng”, là coi như gá nghĩa với thiên nhiên.
Những giọng hát vàng của rừng thi nhau ca vọng cổ, dù vẫn dáo dác ngó xem có sóng tàu ngoài sông, để còn trông chừng con vỏ lãi đậu mé rừng có bị sóng lớn đánh cho chìm không. Với dân chạy vỏ lãi, sợ nhất là gặp trúng tàu lớn, trên đường di chuyển, chúng sẽ tạo ra những cột sóng cao và mạnh, có thể nhấn chìm con xuồng trong tích tắc. Vỏ lãi, chính là tài sản giá trị nhất của người giữ rừng, là phương tiện di chuyển duy nhất ở mênh mông rừng đước này.
Oanh còn nhớ rõ, ngày đầu tiên theo người yêu về ra mắt, anh đã dẫn thẳng cô vào căn chòi lá của ba má ở giữa rừng và thật thà chia sẻ: “Nếu chúng mình lấy nhau thì hai vợ chồng sẽ ở đây và sống đời giữ rừng”. Oanh có chút choáng váng, lòng hoang mang bất định. “Nếu là cô gái khác, có lẽ đã bỏ chạy ngay, nhưng em thì không, em phải lòng cánh rừng này, như lần đầu gặp gỡ và yêu chồng của em vậy”, Oanh tâm sự về ngã rẽ cuộc đời mình. Thế là, cô gái dân tộc Mường trở thành người giữ rừng ngập mặn Cần Giờ.
Cái Tết đầu tiên ở rừng, Oanh có chút tủi thân khi xung quanh mình chỉ toàn là rừng với nước, chẳng thấy bóng dáng con người cùng những màn pháo hoa sáng rực bầu trời đêm giao thừa. Oanh tâm sự: “May là có chồng em luôn bên cạnh, có anh em ở chốt động viên, san sẻ và dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Điều đó khiến em vơi đi nỗi nhớ nhà và có niềm vui để bám trụ với nghiệp giữ rừng”.
Cứ thế, hơn 10 năm bám rừng, chưa lần nào Oanh về quê cha mẹ đón Tết. “Khi khoác lên màu áo giữ rừng, khi gắn bó với rừng thì niềm vui riêng đó có thể hy sinh. Không riêng gì vợ em, mà anh em ở đây ai cũng vậy, chấp nhận sinh hoạt trong môi trường không điện, không nước ngọt, thiếu thốn trăm bề, đi lại khó khăn để làm tốt công việc của mình”, anh Lê Hoàng Anh, chồng của Phạm Thị Oanh bộc bạch.
Hoàng Anh sinh ra và lớn lên bên những cánh rừng ngập mặn Cần Giờ; cha mẹ, ông bà của anh là người giữ rừng. Mọi thứ ở đây đều là ký ức tuổi thơ của Hoàng Anh nên sống ở rừng chính là lý tưởng duy nhất mà anh theo đuổi. “Hễ ra ngoài khoảng một, hai ngày là em nhớ da diết căn chòi nhỏ dưới tán rừng này. Đối với em, từ ngày có vợ và cô ấy chịu ở lại giữ rừng chính là những ngày xuân xanh của cuộc đời rồi”, Hoàng Anh nhìn vợ, bẽn lẽn chia sẻ.
Đêm 30 nghe tiếng vọng cổ
Tết này cũng như hơn 30 cái Tết ở rừng của vợ chồng ông Trần Minh Tùng (sinh năm 1970, Tiểu khu 6, phân khu III). Niềm vui của vợ chồng ông Tùng chính là được gắn bó với rừng, lấy công việc chăm sóc, tuần tra giữ rừng làm lẽ sống, lấy những khoảnh khắc soi nhau, mò cua bắt ốc kiếm thêm thu nhập làm động lực để giữ lửa nghề.
Người ở rừng ngập mặn đón Tết cũng khác với người thành phố. Các sản vật ngày Tết chủ yếu ở rừng như con cá kèo khô, hũ mắm ba khía, mớ tôm rim… hay một ít rau xanh được trồng trong những thùng xốp, hứng giọt nước hiếm hoi của trời.
Tiếng động cơ phá tan không gian tĩnh lặng của mênh mông rừng đước. Chiếc vỏ lãi của ông Tùng bắt đầu xé nước, hướng về phía khu rừng rộng hơn 155 hecta của ông chăm sóc, canh giữ. Nhìn xa xăm về phía đầu nguồn nhánh sông Dần Xây, ông Tùng nhận xét, Tết năm nay, rừng êm hơn, nhật ký tuần tra tháng Chạp không có gì đặc biệt cả: “Chỉ cách đây vài năm, người dân hay vô rừng đốn cây về cất nhà hoặc làm củi. Nhưng mấy năm nay, người dân ít chặt cây rừng bởi phần lớn đã chuyển sang ở nhà xây, việc nấu nướng cũng bằng bếp gas, bếp điện. Thế nhưng giáp Tết, bà con vẫn lén đốn cây để nấu bánh tét hoặc chặt cây về làm mai, đào giả. Chúng tôi nắm được quy luật đó nên tuần tra chặt chẽ, bố ráp, đón chặn ở ngay giai đoạn đầu, bà con thấy vậy cũng không dám vào rừng”, ông Tùng chia sẻ về kinh nghiệm giữ rừng.
Trong ký ức của ông Tùng, rừng xanh bạt ngàn hôm nay được sinh sôi từ những cây giống đầu tiên chở từ Cà Mau về bằng đường sông vào những năm sau ngày miền Nam giải phóng. Khi đó, ông Tùng mới 5 tuổi được theo cha mẹ lội rừng, cắm từng cây con xuống bùn, chứng kiến chúng lớn lên từng ngày. “Là dân địa phương, tôi cũng đi trồng rừng từ hồi mới lớn. Ghe thuyền chở nước, lương thực vô bãi, cắm lều tập thể, sáng đi mần, tối về đốt lửa nấu ăn, ca hát. Gặp nhau nên duyên trong một đêm vọng cổ trên bãi đước", ông Tùng kể về thời thanh xuân tham gia trồng rừng.
Vì trót nặng nợ như thế nên ông Tùng chọn gắn cuộc đời của mình với rừng. Vợ của ông cũng vì mê màu xanh bất tận mà nguyện làm vợ người giữ rừng, chưa bao giờ bà thở than buồn chán với nghề mà chồng đã lựa chọn.
Mùa này trong rừng gió thổi mạnh, trời lạnh. Nằm ngủ trong nhà rừng, gió thốc vào lạnh tím bàn chân. Như vậy là biết Tết đến nơi rồi. Nhà của vợ chồng Oanh mới làm lại cái sàn để đón Xuân và đắp thêm luống đất ở bậc thềm để cúng đất rừng vào mùng 10 tháng Giêng. Mâm cúng của người giữ rừng rất đơn giản, chỉ là bộ quần áo giấy, ít bánh mứt trang hoàng bàn thờ. Đêm 30, sau khi cúng ở nhà xong, các gia đình sắm sửa cho đám trẻ bộ đồ mới nhất để đi tới phân khu đón giao thừa.
Đêm đen tĩnh mịch, sông Lòng Tàu tối mực vẫn miệt mài dòng chảy, xuồng ghe bồng bềnh trên sông, tiếng máy xé gió, rẽ sóng trực chỉ hướng về ánh đèn sáng ở phân khu. Đêm Tết mịt mù mà phụ nữ nào cũng lái vỏ lãi, chặt cua ngọt xớt khiến cánh đàn ông cũng phải nể phục. “Ở đây, người ta hay gọi chị Nguyễn Thị Loan (45 tuổi, phân khu I) là “Nữ hoàng tốc độ” nhưng thật ra bất cứ người phụ nữ nào giữ rừng cũng đều là “quái xế” đường thủy viết nên lịch sử, lái vỏ lãi như cưỡi sóng bay vọt lên đọt rừng”, ông Trần Minh Tùng nhận xét về những phụ nữ giữ rừng.
Vui Xuân không quên nhiệm vụ, tuần lễ từ 30 Tết, người giữ rừng cắm sào chốt đêm ở những tiền đồn heo hút, trên những ngọn sóng đầu con nước. Trong màn đêm của thời khắc chuyển giao năm cũ, có tiếng vọng cổ của ông Tùng, chị Loan ngân xa trầm bổng hòa với tiếng gió, tiếng sóng gọi mùa Xuân về rừng.